Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh

QUỲNH UYỂN 17:03, 22/11/2023

(LĐ online) - Sáng 22/11, tại Đà Lạt, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các bộ, ban, ngành và địa phương, các hội, hiệp hội, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bản quyền và điện ảnh, các nhà quản lý, các nhà sáng tạo, nhà làm phim, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phim. Ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Hoàng – Cục trưởng Cục bản quyền tác giả đã chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Việc bảo hộ bản quyền đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các quốc gia. Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền; trong đó, có công nghiệp điện ảnh, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tại các quốc gia phát triển (như: Hoa Kỳ, 12% GDP; Hàn Quốc, 9,89% GDP...) cũng như các nước đang phát triển (như Trung Quốc, 7,35% GDP; Malaysia là 5,7% GDP; Thái Lan, 4,48% GDP...).

TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội thảo

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh trong giai đoạn từ năm 2018-2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm, cùng đó nguồn lực lao động tăng 8,05% và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tăng 8,39%.

Doanh thu điện ảnh chiếu rạp trong năm 2018 đạt khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 145 triệu USD) và đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD) vào năm 2019, vượt mức 16% mục tiêu đề ra là đạt 150 triệu USD vào năm 2020 tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành điện ảnh đã phục hồi đáng kể sau dịch bệnh, đạt khoảng 70% so với năm 2019.

Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ cùng với các phương thức phân phối, các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung, các sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng. Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.

Phát biểu trực tuyến của bà Sylvie Forbin - Phó Tổng Giám đốc Bản quyền và Công nghiệp sáng tạo - Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO

Giống như các lĩnh vực sáng tạo khác, ngành công nghiệp điện ảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ số, phim có thể được xem ở hầu hết mọi nơi, mọi lúc, trên mọi thiết bị. Thành công của một bộ phim không thể đoán định trước được; nhưng để làm được một bộ phim sẽ rất tốn kém, để những khoản đầu tư đó sinh lời, ngoài các phương tiện truyền thống như rạp chiếu phim, chương trình phát sóng trên truyền hình, các loại hình mới như phát trực tuyến trên không gian mạng ngày càng trở nên quan trọng tạo cơ hội dễ dàng hơn cho bộ phim được trình chiếu rộng rãi trên toàn thế giới. Nhưng để làm được điều này thì cần có một khung pháp lý, cần xác định chuỗi giá trị và quyền của tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất phim.

Hội thảo nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền và bảo hộ thành quả sáng tạo; xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền; từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan. Từ đó tạo nên nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật.

Nhiều tham luận có giá trị thực tiễn được trình bày tại Hội thảo

Hội thảo đã đi sâu thảo luận quyền tác giả và các quyền liên quan, mang lại động lực cho người sáng tạo, cho các nhà làm phim; cơ chế cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ và củng cố thị trường để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh lớn mạnh. Cụ thể một số tham luận của cá nhân, đơn vị: Bảo vệ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh (ThS. Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả); Giải pháp của địa phương Lâm Đồng trong xây dựng công nghiệp văn hóa và công tác bảo hộ bản quyền (Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng); Vai trò của bảo hộ bản quyền đối với thực tiễn phát triển công nghiệp điện ảnh ở TP Hồ Chí Minh (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHồ Chí Minh); Sáng tạo, khai thác, sử dụng phim trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả là nhà nước (Viện Phim Việt Nam); Tác giả của một bộ phim (TS. Nguyễn Thanh – Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội); Thuận lợi, khó khăn của nền điện ảnh Việt Nam hiện nay, một số đề xuất, kiến nghị (Nhà sản xuất phim, đạo diễn Võ Thanh Hòa); Cơ chế xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình trên môi trường số (ThS. Luật sư Quản Văn Minh); Bản quyền âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh (Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn)…

Nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề Hội thảo đặt ra

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh những quy định về bản quyền trong việc sử dụng tư liệu của đồng nghiệp, sử dụng âm nhạc trong phim, tác quyền với việc chuyển thể, phóng tác, phỏng theo; việc xâm hại, ăn cắp bản quyền, bản quyền tác phẩm điện ảnh bị rò rỉ gây thất thu, chán nản cho nhà sáng tạo; sử dụng công nghệ để ngăn chặn vi phạm bản quyền…