(LĐ online) - Trong 2 ngày 1 và 2/11, tại Đà Lạt, Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo Góp ý xây dựng tài liệu nâng cao năng lực lồng ghép giới trong chương trình giáo dục mầm non và tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở GD-ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, đại diện cha mẹ học sinh người dân tôc thiểu số của 8 tỉnh: Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Tiền Giang, Hậu Giang, Bắc Kạn, Hà Giang và Lâm Đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thảo - Vụ Giáo dục Mầm non cho biết: Việc lồng ghép giới trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non nói riêng, giáo dục phổ thông nói chung và tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số đã được triển khai; đồng thời, thu được nhiều tín hiệu tích cực trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc chưa thống nhất, chuẩn hóa được giáo trình tài liệu, sự thiếu chủ động của một số địa phương đã khiến cho chương trình chưa có được sự thay đổi như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình đào tạo nguồn nhân lực và phát triển của đất nước.
Hội thảo theo chủ đề này sẽ được tổ chức thành nhiều đợt, ở nhiều vùng, địa phương khác nhau trong cả nước, qua đó giúp cho Bộ GD-ĐT có được cái nhìn tổng quát, từ đó xây dựng tài liệu chuẩn dựa trên cơ sở thực tiễn, triển khai và thực hiện thành công Dự án 8 của Bộ GD-ĐT về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, giáo dục mầm non là môi trường giáo dục nhà trường đầu tiên, có vai trò quan trọng trong định hình nhân cách, nhận thức của trẻ em về vị trí, vai trò của mình trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Do đó, việc lồng ghép giới để đạt được mục tiêu bình đẳng giới ngay từ bậc học mầm non là nhu cầu thiết yếu từ thực tiễn. Không những thế, việc thực hiện lồng ghép giới trong giáo dục mầm non nhằm bảo đảm bình đẳng giới sẽ tạo điều kiện cho trẻ trai và trẻ gái phát triển được năng lực cá nhân một cách công bằng.
Các học sinh người dân tộc thiểu số Lâm Đồng tham gia Cuộc thi Tiếng Việt cho em do Sở GD-ĐT tổ chức |
Cũng theo nghiên cứu của bộ GD-ĐT, trong những năm vừa qua, công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện. Nhiệm vụ này cũng được Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ hàng năm của cấp học mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Trẻ em người dân tộc thiểu số ở nhà nói tiếng mẹ đẻ, khi đến trường tiếp xúc với chương trình giáo dục phổ thông bằng tiếng Việt, cô giáo nói tiếng Việt, những rào cản này đã khiến các em rụt rè, nhút nhát, không tự tin tham gia vào các hoạt động giáo dục.
Hiện nay, đối với giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT đã xây dựng, ban hành một số tài liệu hỗ trợ giáo viên nhằm chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ; đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện chuyên đề làm quen với văn học và chữ viết, chú trọng xây dựng môi trường chữ viết, môi trường giao tiếp tiếng Việt tốt để giúp trẻ tự tin vào lớp 1. Tuy nhiên, để thưc hiện tốt nhiệm vụ nay trong giai đoạn mới, Bộ GD-ĐT cần sớm phải hoàn thiện tài liệu chung, với những đòi hỏi cụ thể và nâng cao, việc tổ chức hội thảo và lấy ý kiến thực tiễn từ các địa phương có đông ngươi đồng bào DTTS sinh sống là điều vô cùng hữu ích và cấp thiết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin