Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

TUẤN HƯƠNG 11:32, 24/11/2023

(LĐ online) - Sáng 24/11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS)” năm 2023.

Hội thảo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành; đại diện UBND các huyện, Hội LHPN 7 huyện và 32 xã thực hiện dự án 8 cùng đại diện các mô hình sinh kế do phụ nữ làm chủ.

Bà Cil Bri – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng phát biểu đề dẫn Hội thảo
Bà Cil Bri – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng phát biểu đề dẫn hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Cil Bri – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong những năm qua, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng HTX, tổ hợp tác, mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ tham gia ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Đặc biệt từ năm 2017, Hội LHPN các cấp tích cực triển khai Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Qua đó đã hỗ trợ gần 600 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với tổng số vốn hơn 2,8 tỷ đồng; phối hợp, hỗ trợ thành lập 10 HTX, 47 tổ hợp tác và 26 tổ liên kết do phụ nữ quản lý; trao 223 mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 1 tỷ đồng.

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ các giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS
Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ các giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS

Ngoài ra Hội LHPN các huyện, thành phố còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 20.000 hội viên phụ nữ với các nghề đan lát, móc len, may công nghiệp, cắt tóc, trang điểm, cạo mũ cao su…

Đại diện Sở Thông tin và truyền thông chia sẻ các giải pháp hỗ trợ mô hình tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ DTTS làm chủ ứng dụng công nghệ số
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ các giải pháp hỗ trợ mô hình tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ DTTS làm chủ ứng dụng công nghệ số

Từ những hỗ trợ đó, hội viên phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng trong tỉnh đã có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lâm Đồng chia sẻ về các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai dành cho đối tượng là phụ nữ
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lâm Đồng chia sẻ về các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai dành cho đối tượng là phụ nữ

Tuy nhiên hiện nay, phụ nữ nói chung, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng DTTS ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn ít có điều kiện tiếp cận với khoa học công nghệ trong đời sống cũng như trong phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS còn nhiều hạn chế; các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ DTTS còn nhỏ lẻ… Do đó, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tham gia vào các hoạt động nâng cao đời sống kinh tế gia đình để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hội LHPN xã Bảo Thuận - Di Linh chia sẻ về vai trò của Hội LHPN xã trong việc hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS
Đại diện Hội LHPN xã Bảo Thuận, huyện Di Linh chia sẻ về vai trò của Hội LHPN xã trong việc hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -  xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai một số hoạt động Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023, nhằm thúc đẩy hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần cho hội viên phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận được công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và sản phẩm, cải thiện đời sống, thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, đánh giá thực trạng các mô hình tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn; đồng thời đề ra các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, các giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần cho hội viên phụ nữ DTTS tiếp cận công nghệ thông tin, nâng cao giá trị sản xuất và sản phẩm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021- 2025. Qua đó tăng cường sự tham gia của phụ nữ DTTS vào các hoạt động kinh tế có thu nhập để nâng cao quyền năng kinh tế giúp phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, có được tiếng nói trong gia đình, cộng đồng và xã hội.