Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu do rối loạn chuyển hóa khi tuyến tụy không sản xuất đủ Insulin. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi...
Khám sàng lọc bệnh đái tháo đường tại xã Xuân Trường - TP Đà Lạt |
Trên thế giới, ước tính có khoảng 500 triệu người đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Nếu không có hành động, con số này có thể tăng lên 700 triệu người trong vòng 25 năm tới. Ngoài ra, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng và gây tử vong sớm.
Bệnh đái tháo đường đang là thách thức với toàn cầu đối với sức khỏe của cá nhân, gia đình và xã hội. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh, trong đó có 50% mắc có biến chứng nguy hiểm. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng nhanh hơn so với các nước có thu nhập cao. Sự gia tăng liên quan các yếu tố nguy cơ như thừa cân hoặc béo phì.
Tại Việt Nam, năm 2017, số bệnh nhân đái tháo đường là 3,54 triệu người (khoảng 5,5% dân số). Các thống kê nghiên cứu đến năm 2021 là 4,79 triệu người (khoảng 7,3% dân số). Điều đó cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao nhất gặp ở nhóm tuổi 60 - 69 (chiếm 27% tổng số ca mắc). Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 đến dưới 30 tuổi.
Tại Lâm Đồng, năm 2022, toàn tỉnh phát hiện, quản lý 11.241 bệnh nhân mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, số bệnh nhân được quản lý, điều trị trên thực tế còn thấp hơn nhiều so với tổng số bệnh nhân đang sống tại cộng đồng mà chưa được phát hiện.
Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và thiệt hại đến kinh tế của mỗi gia đình và toàn xã hội. Nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến biến chứng nặng về tim mạch, thận, tổn thương mắt, nhiễm trùng bàn chân dẫn đến hoại tử... Bệnh đái tháo đường tiến triển âm thầm, cho nên nhiều người đi khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu rất khó xác định do không điển hình và dễ lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu quan tâm và biết cách kiểm soát tốt sức khỏe, thì có thể phát hiện được bệnh đái tháo đường từ rất sớm. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, đúng phác đồ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh lý võng mạc gây mù mắt, bệnh lý thận, mạch máu ngoại vi dẫn đến đoạn chi và các biến chứng nghiêm trọng khác từ bệnh đái tháo đường.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường: Bệnh nhân đái tháo đường ở giai đoạn sớm có thể không có bất kỳ triệu chứng nào, chỉ có thể chẩn đoán dựa vào xét nghiệm máu. Khi đường trong máu tăng cao, bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau: Ăn nhiều, ăn thường xuyên, bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy đói. Uống nhiều, bệnh nhân khát nước và uống liên tục. Tiểu nhiều, đặc biệt là tiểu đêm. Ngoài ra, các triệu chứng đái tháo đường thường gặp khác như: Mờ mắt, mệt mỏi, sụt cân, một số ít lại tăng cân do ăn quá nhiều, vết thương lâu lành, môi khô, da khô, ngứa, cảm giác châm chích 2 bàn chân, rối loạn cương dương…
Cách phòng bệnh đái tháo đường: Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất tầm soát bệnh đái tháo đường để sớm phát hiện bệnh. Việc kiểm tra phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kịp thời tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm tiến triển đến đái tháo đường thật sự. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ như người từ 40 tuổi trở lên; người từng được xác định rối loại đường huyết; thừa cân, béo phì; mắc bệnh lý tim mạch; có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường; phụ nữ từng mắc đái tháo đường thai kỳ...
Khuyến khích người dân hãy đi xét nghiệm đường máu để sớm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời. Ngoài ra, mọi người thực hiện chăm sóc và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, nhất là trẻ em và người lớn tuổi; theo dõi thường xuyên tăng trưởng và phát triển của trẻ để phát hiện sớm trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi và thừa cân, béo phì. Phát hiện sớm và có biện pháp hiệu quả tránh nguy cơ béo phì gây tăng huyết áp và gia tăng đái tháo đường. Mọi người dân bỏ thói quen xấu (hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá), tăng cường thực phẩm hợp lý và an toàn, dinh dưỡng cân đối. Tham gia bảo vệ môi trường sống sạch sẽ, trong lành, tăng cường vận động và thể dục thể thao hợp lý (đi bộ, đạp xe, tập yoga...). Người mắc bệnh đái tháo đường thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng ăn uống đầy đủ, cân đối và hợp lý (ăn uống tiết chế); uống thuốc đều đặn, xét nghiệm theo dõi đường huyết thường xuyên, ghi chép các chỉ số đường huyết, theo dõi hiệu quả điều trị và các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin