Bài cuối: Vững bước đi lên
Khó khăn, thách thức rõ ràng không ít nhưng từ tiềm năng, vị thế, đặc biệt là với quyết tâm hành động, Lâm Đồng hoàn toàn có thể tự tin vươn tầm trở thành một tỉnh khá vào cuối nhiệm kỳ. Chặng đường mới đang mở ra để hoàn thành trọn vẹn hành trình với sự kiên định các mục tiêu; linh hoạt, sáng tạo, đổi mới trong thực hiện các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp, tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, khảo sát mô hình phát triển kinh tế tại địa phương |
Mục tiêu của tỉnh là phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận
• KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU
Ðồng chí Trần Ðức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Xác định mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2025, là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên và cả nước; Lâm Ðồng nhất quán thực hiện quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hài hòa và bền vững; phát huy vai trò, sức mạnh tập thể, đề cao trách nhiệm, trí tuệ cá nhân; lấy con người làm trung tâm, khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực, khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh vùng đất, giá trị văn hóa, con người Lâm Ðồng.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc nằm trong cụm đô thị Tây Nguyên cùng tham gia thi đua xây dựng đô thị thông minh “Xanh - Sạch - Đẹp - Sáng” gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Đà Lạt là 1 trong 3 đô thị loại I trực thuộc tỉnh của vùng Tây Nguyên. Những năm qua, đô thị Đà Lạt không ngừng phát triển về mọi mặt từ không gian đến chất lượng đô thị.
Tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gắn với các loại nông sản thế mạnh của địa phương |
Trong khi đó, Bảo Lộc là trung tâm kinh tế, xã hội phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. Thời gian qua, Bảo Lộc đặc biệt quan tâm xây dựng đô thị thông minh, gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ mặt đô thị Bảo Lộc có những chuyển biến tích cực theo hướng xanh - sạch - đẹp và hiện đại, từng bước hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Sơn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, đánh giá: “Kết quả cho thấy, cùng với Cụm đô thị Tây Nguyên, Đà Lạt và Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã và đang tập trung xây dựng, phát triển đô thị theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường; phát triển kinh tế gắn với đô thị xanh theo đúng chủ đề “Xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện môi trường” mà Hiệp hội Các đô thị Việt Nam đã phát động, với mục tiêu lấy đô thị làm “hạt nhân” sự phát triển của từng địa phương”.
Trong nửa cuối nhiệm kỳ, Lâm Đồng tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI, các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, Nhà nước; tập trung thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ưu tiên tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành Nông nghiệp toàn diện và hiện đại. Từ đó, đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch chất lượng cao, công nghiệp có chọn lọc.
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương được khởi công xây dựng sẽ tạo sức bật để Lâm Đồng phát triển |
Tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 4 khâu đột phá và 17 công trình trọng điểm mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Trong đó, chú trọng phát triển những lĩnh vực tiềm năng lớn, như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu Quốc gia mang tính đặc trưng như rau, hoa Đà Lạt, cà phê Di Linh, Trà B’Lao, Cà phê Arabica LangBiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc…
Địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh, tình hình mới.
Trên cơ sở đó, tỉnh Lâm Đồng tập trung chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương bám sát tình hình, đánh giá, dự báo đúng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, xem khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên, khẳng định bản lĩnh. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường kêu gọi, thu hút đầu tư thông thoáng phục vụ yêu cầu phát triển.
Nông nghiệp Lâm Đồng phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ |
• GIẢI PHÁP CỤ THỂ
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai kế hoạch sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo các nguyên tắc đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác sáp nhập với mục tiêu tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiến hành sáp nhập 3 huyện (Đạ Huoai, ĐạTẻh và Cát Tiên) thành 1 huyện và đặt trung tâm hành chính tại huyện Đạ Tẻh; nhập toàn bộ huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị Đà Lạt; điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) vào TP Bảo Lộc, mở rộng không gian đô thị để Bảo Lộc hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.
Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vừa ký ban hành 2 nghị quyết quan trọng về công tác quy hoạch của địa phương. Trong đó, Nghị quyết số 214 ngày 27/10/2023 về thông qua Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 218 ngày 27/10/2023 về phê duyệt kết quả điều chỉnh cục bộ quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xác định việc tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế và 3 cực tăng trưởng. Cụ thể, 3 tiểu vùng gắn với 3 cao nguyên Lang Biang, Di Linh và Bảo Lộc. Trong đó, TP Đà Lạt là hạt nhân của tiểu vùng 1, thị trấn Di Linh là hạt nhân của tiểu vùng 2 và TP Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng 3. Đến giai đoạn 2045 - 2050, định hướng phát triển tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với cấu trúc không gian có: 3 quận, 3 thị xã mới và 3 huyện. Với Nghị quyết số 218, HĐND tỉnh đã phê duyệt kết quả điều chỉnh cục bộ quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể: Quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất lâm nghiệp 596.297 ha (chiếm 60,96% tổng diện tích tự nhiên) gắn với bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu.
Từ đó, phát huy các giá trị cốt lõi, tiềm năng, lợi thế; đồng thời, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển. Triển khai các kế hoạch, đề án phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh và lấy đô thị làm “hạt nhân” phát triển vùng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; ưu tiên đầu tư vào những công trình, dự án lớn, trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; Dự án Mở rộng, nâng cấp đèo Prenn; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ 4D lên cấp 4E; Khu công nghiệp Phú Bình; hồ Ta Hoét, hồ KaZam…
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Lâm Đồng xác định chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; quan tâm phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Đối với công tác cán bộ, nhiệm vụ được coi là “then chốt của then chốt”, Lâm Đồng tập trung nâng cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, tỉnh quan tâm thực hiện việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, quản lý từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó giúp cho cán bộ, quản lý có thêm điều kiện phát huy năng lực, trách nhiệm từ thực tế để trưởng thành và phát triển nhanh, toàn diện hơn, phục vụ cho sự phát triển của địa phương.
Trong năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức khảo sát dư luận xã hội về “Tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh”. Thông qua hình thức trực tiếp, gián tiếp để các tầng lớp Nhân dân chia sẻ, đánh giá về năng lực, trình độ, đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo làm tốt công tác kiểm tra, giám sát ngay từ cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng tiếp tục triển khai các giải pháp củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn với thế trận an ninh Nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc.
Mục tiêu đã có, giải pháp đã rõ. Tin rằng với sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí trong toàn Đảng bộ, cùng sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, những “điểm nghẽn” hiện nay sẽ từng bước được tháo gỡ để Lâm Đồng vững bước trong hành trình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh đề ra. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin