Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số

LINH ĐAN 14:22, 22/11/2023

(LĐ online) - Trong 2 ngày 22 và 23/11, tại Đà Lạt, Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS).

Học sinh người DTTS tham gia Cuộc thi Tiếng Việt cho em do Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức

Tham gia lớp tập huấn có hơn 200 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các cơ sở giáo dục mầm non của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Đề dẫn của tài liệu khẳng định: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non người DTTS là một nhiệm vụ quan trọng đối với cơ sở giáo dục mầm non, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ để các em tham gia hiệu quả các hoạt động giáo dục trong trường mầm non và các hoạt động giáo dục ở cấp học cao hơn sau này.

 

Nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non gần đây rất được Đảng, Nhà nước quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạođã cùng các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Giai đoạn 2 của Đề án tập trung bổ sung thêm nội dung tiếng mẹ đẻ, nhằm giữ gìn bản sắc, văn hóa và hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em theo phương châm giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm.

Trong những năm qua, công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện. Hàng năm, nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS được đưa vào hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của cấp học mầm non và tiểu học.

Đối với giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, ban hành một số tài liệu hỗ trợ giáo viên nhằm chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ; đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện chuyên đề làm quen với văn học và chữ viết, chú trọng xây dựng môi trường chữ viết, môi trường giao tiếp tiếng Việt nhằm chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ vào lớp 1.