(LĐ online) - Tại Hội chợ triển lãm chè (trà) Quốc tế Trung Quốc 2023 được tổ chức TP Quảng Đông (tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc) diễn ra từ ngày 24 đến 27/11, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vinh dự được Ban tổ chức đề cử và trao chứng nhận “Nhà khoa học có đóng góp kiệt xuất cho ngành chè thế giới”.
Tiến sĩ Phạm S trao đổi với bà Hồ Vệ Hồng -Trưởng Ban giám sát Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa chè Quảng Đông, tại tọa đàm kết nối giao thương ngành chè Quảng Châu và Lâm Đồng được tổ chức tại TP Bảo Lộc vào cuối tháng 9/2023 |
Hội chợ triển lãm chè đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp chè trên thế giới tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Trong đó, riêng tỉnh Lâm Đồng có 7 doanh nghiệp tham gia triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà tới bạn bè quốc tế. Hội chợ còn thu hút hơn 1.500 chuyên gia, doanh nhân ngành chè tại Trung Quốc và các nước trên thế giới. Đây được xem sự kiện quan trọng của ngành trà thế giới, được người trong ngành gọi là “dấu mốc xu hướng” của ngành công nghiệp trà toàn cầu.
Ngành chè Lâm Đồng tham gia Hội chợ triển lãm chè Quốc tế Trung Quốc 2023 với kỳ vọng giới thiệu những thành tựu về khoa học - công nghệ, chất lượng sản phẩm và sẵn sàng tìm kiếm đối tác và thị trường tiêu thụ. Lâm Đồng cũng là tỉnh duy nhất của Việt Nam tham dự sự kiện lớn của ngành chè thế giới lần này. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cử đoàn các doanh nghiệp chè do ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại Lâm Đồng làm trưởng đoàn.
Tại Hội chợ triển lãm đã diễn ra gần 100 hoạt động kinh tế thương mại, khoa học và văn hóa về chè như: Tọa đàm “ngành chè qua ống kính truyền thông”, Diễn đàn chè Trung Quốc đổi mới năm của 2023; Lễ trao giải chương trình bình chọn chất lượng chè danh tiếng; Lễ vinh danh các nhà khoa học đóng góp ngành chè trên thế giới và Lễ hội chè không biên giới…
Đoàn doanh nghiệp Lâm Đồng tại sự kiện văn hóa trà thuộc chương trình Hội chợ triển lãm trà quốc tế Trung Quốc 2023 |
Trong đó, sự kiện nổi bật là lễ vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho ngành trà thế giới. Tiến sĩ Phạm S là một trong những chuyên gia, nhà khoa học được vinh danh là “Nhà khoa học có đóng góp kiệt xuất cho ngành trà thế giới”.
Do bận công tác của tỉnh, nên Tiến sĩ Phạm S không cùng đoàn Lâm Đồng tham dự sự kiện quan trong nay, nhưng ông đã có bài tham luận “Ngành chè Lâm Đồng xác định các giải phát đột phá để phát triển bền vững chủ động hội nhập quốc tế”. Bài tham luận được Tiến sĩ Phạm S ủy quyền cho ông Dương Quốc Anh chia sẻ tại diễn đàn. Nội dung bài tham luận khái quát thị trường chè toàn cầu, ngành chè Việt Nam và Lâm Đồng trong xu thế hội nhập quốc tế.
Ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng (thứ 2, bên trái), thay mặt Tiến sĩ Phạm S nhận chứng nhận “Nhà khoa học đóng góp kiệt xuất cho ngành trà thế giới”, tại Tea Expo 2023 |
Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp cho ngành chè phát triển. Hiện nay, nước ta đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, với tổng diện tích 130 nghìn ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm. Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia, Mỹ và các quốc gia Trung Đông...
Bài tham luận của Tiến sĩ Phạm S cũng chỉ ra rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế ngành chè Việt Nam và Lâm Đồng có những thuận lợi như: Việt Nam là một trong những quốc gia xác định là nguồn gốc cây chè đã được khẳng định trên thế giới. Hiện nay còn nhiều vùng chè cổ có tuổi thọ hàng trăm năm tại các tỉnh phía Bắc.
Thời gian qua, ngành chè Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang tập trung phát triển nguồn nhân lực với đội ngũ chuyên gia giỏi, tâm huyết với ngành chè; chú trọng đầu tư khoa học công nghệ nghiên cứu toàn diện về chè từ giống, kỹ thuật canh tác, chế biến và thị trường tiêu thụ; Tiến sĩ Phạm S nghiên cứu chọn tạo thành công giống chè LĐ97 có năng suất cao, chất lượng tốt vượt trội; Nhà nước luôn có chính sách hợp lý để phát triển chè bền bền vững chủ động hội nhập quốc tế…
Đối với ngành chè Lâm Đồng phát triển bền vững nhờ đột phá từ khoa học công nghệ. Cây chè được trồng ở Lâm Đồng từ năm 1927 do người Pháp trồng và khai thác. Trước năm 1975, diện tích chè Lâm Đồng đạt khoảng 5.000 ha và tiếp tục phát triển với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Do đó Lâm Đồng được xem là tỉnh sản xuất chè thương mại sớm và có quy lớn nhất Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, Lâm Đồng vẫn là địa phương có năng suất và sản lượng chè cao nhất nước, chiếm 25% về diện tích và 27% về sản lượng. Lâm Đồng hiện có trên 11.000 ha chè, năng suất bình quân gần 15 tấn/ha, sản lượng 164.143 tấn/năm.
Về cơ bản, người dân Lâm Đồng đã chuyển đổi và đưa các giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng thay thế các giống chè cũ. Trong đó, giống chè đa dạng với các tỷ lệ chè cành cao sản TB14, LĐ97 (gần 60%); chè chất lượng cao Kim tuyên, Tứ quý, Oolong, Ngọc Thúy (gần 13%); chè hạt (hơn 27%). Trong quá trình sản xuất, kinh doanh ngành chè, Lâm Đồng luôn chú trọng thực hiện quy trình canh tác theo các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để mang đến những sản phẩm chè tốt nhất cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt, Lâm Đồng đã và đang triễn khai các chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm quốc gia và quốc tế như: VietGap, Globalgap, Organic, HCCP, Halal… Chè của Lâm Đồng được chế biến các sản phẩm đa dạng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè Lâm Đồng tham gia trưng bài, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại chương trình tọa đàm kết nối giao thương nghành chè Lâm Đồng - Quảng Châu tổ chức tại TP Bảo Lộc |
Đối với bản thân Tiến sĩ Phạm S, trong suốt quá trình công tác, ông luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu cây chè. Qua đó, ông đã công bố hàng chục bài báo khoa học về cây chè; tham gia nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Tiến sĩ Phạm S là tác giả 5 cuốn sách về chè, trực tiếp hướng dẫn và tham gia hướng dẫn đề tài/luận án cùng hàng chục sinh viên và học viên cao học liên quan đến lĩnh vực chè; chủ nhiệm đề tài và thành viên thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh và cấp quốc gia trong nhiều năm liên tục. Kết quả nghiên cứu về cây chè của Tiến sĩ Phạm S được chuyển giao sản xuất và thực hiện dự án quốc tế do ngân hàng thế giới tài trợ ngành chè Việt Nam năm 2002-2004.
Để tìm ra được những giống chè tốt nhất cho người nông dân và doanh nghiệp từ năm 1993, Tiến sĩ Phạm S đã quan tâm, tập trung tuyển chọn cây đầu dòng khi còn giữ cương vị Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật nông trường chè Minh Rồng. Sau 5 năm cần mẫn lựa chọn, bình tuyển, nhân giống thành công giống chè cành LĐ97 có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất và chất lượng, năng suất đạt 20 tấn/ha (cao gấp 4 lần so với năng suất trung bình của tỉnh). Không chỉ năng suất cao, mà chất lượng chè LĐ97 cũng cao hơn hẵn so với các giống chè người dân sản xuất thời điểm đó. Vì vậy, giống chè LĐ97 được nhân rộng cho người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất lại hiệu quả kinh tế cao. Với những ưu điểm vượt trội, LĐ97 là giống chè có nhiều mao trên tôm và lá non nhất trong tất các giống chè hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Do đó, giá chè nguyên liệu LĐ97 luôn cao hơn các giống chè cao sản khác từ 20 đến 25%.
Hiện nay, giống chè LĐ97 do Tiến sĩ Phạm S nghiên cứu lai tạo thành công không chỉ phát triển mở rộng sản xuất hàng ngàn ha ở tỉnh Lâm Đồng mà còn phát triển ở các tỉnh: Gia Lai, Quảng Nam, Nghệ An, Tuyên Quang và Phú Thọ.. Sản phẩm chè LĐ97 đạt Huy chương Vàng Hội thi chất lượng sản phẩm chè Việt Nam năm 2003; sản phẩm chè hương LĐ97 của doanh nghiệp chè Làn Hương Bảo Lộc đạt Huy chương vàng tại Triễn lãm chè Việt Nam năm 2008.
Lâm Đồng là vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển cây chè |
Cùng với đó, nguyên liệu chè LĐ97 có thể làm ra nhiều sản phẩm nhất trong các giống chè ở Việt Nam và trên thế giới như chè xanh, chè đen, chè trắng, chè hồng, chè hương, chè đỏ, nước giải khát và chè phổ nhĩ… được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư sản xuất, kinh doanh và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Qua trao đổi, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “Với hơn 30 năm gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học thì chè là văn hoá của mọi thời đại trên thế giới; chè là thức uống chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho toàn nhân loại trên thế giới từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai mà không một loại thức uống nào có thể sánh được. Với những lợi thế sẵn có cả về khí hậu và cả bề dày lịch sử, cho thấy chè Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng luôn đủ sức cạnh tranh với các nước có ngành chè phát triển trên thế giới trong quá trình hội nhập, phát triển”.
Chứng nhận “Nhà khoa học đóng góp kiệt xuất cho ngành trà thế giới” được Ban tổ chức Hội chợ triển lãm chè Quốc tế Trung Quốc trao tặng dành cho những cống hiến của Tiến sĩ Phạm S với ngành chè thế giới |
Ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại Lâm Đồng, cho biết: Thông qua sự kiện Hội chợ triển lãm Quốc tế chè Trung Quốc lần này, ngành chè Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả vượt xa kỳ vọng. Đặc biệt, qua bài tham luận của Tiến sĩ Phạm S, đại diện ngành chè của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ dành sự quan tâm, chú ý rất cao với ngành chè Lâm Đồng nói riêng và ngành chè Việt Nam nói chung trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin