(LĐ online) - Hỗ trợ sinh kế từ giống, cây con, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp hộ nghèo có việc làm, có nguồn thu nhập là cách giảm nghèo bền vững đã và đang được nhiều cơ quan, hội, đoàn thể trong tỉnh thực hiện tích cực, bước đầu mang lại hiệu quả giảm nghèo. Những mô hình sinh kế đã tạo nguồn động viên tinh thần rõ nét, đồng hành, sẻ chia và giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Hỗ trợ giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo |
Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phát động của MTTQ các cấp cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo bằng nhiều cách, việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo được tập trung thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những hỗ trợ sinh kế của các ngành, đoàn thể đều xác định cần thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng khu vực.
Thông tin của Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã hết sức tích cực ủng hộ các mô hình tạo sinh kế cho người nghèo từ nguồn đóng góp của người lao động. Từ các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh, hàng tỷ đồng đã được đóng góp và trao tới tay hàng trăm nông hộ để phát triển các dự án sản xuất. Các hộ gia đình được nhận hỗ trợ sinh kế nhanh chóng, gọn gàng với các mô hình sinh kế giảm nghèo là trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi gia súc gia cầm, chăm sóc cà phê, trồng trọt cho giá trị kinh tế ổn định, góp phần xoá nghèo.
Tại huyện Cát Tiên, đã có 163 hộ nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, trong đó, nguồn lực hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn vận động được trên 1,3 tỷ đồng hỗ trợ cho 133 hộ nghèo; nguồn lực hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan trực thuộc tỉnh là 600 triệu đồng hỗ trợ cho 30 hộ nghèo. Các mô hình hỗ trợ mô hình sinh kế chủ yếu về lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo, đầu tư chăm sóc các loại cây trồng… với mức hỗ trợ chung từ 10 triệu đồng/hộ.
Với Hội LHPN tỉnh, việc hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên xây dựng kinh tế gia đình luôn là nhiệm vụ quan trọng. Đầu năm 2023, toàn tỉnh có 6.636 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; trong đó hội viên phụ nữ nghèo là 4.228 (chiếm 63,71%); phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo 2.385 (chiếm 56,4%); hộ nghèo do nữ làm chủ hộ 1.874 hộ (chiếm 44%). Năm 2023, Hội đã đăng ký giúp đỡ 3.805 hộ nghèo có địa chỉ. Với tinh thần đổi mới, phát huy vai trò làm chủ của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, Hội các cấp đã đồng hành cùng hội viên.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội đã hỗ trợ 78 phương tiện sinh kế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá 129 triệu đồng để phát triển kinh tế; thông qua các phong trào “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” các cấp Hội đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, hình thành thói quen tiết kiệm thường xuyên, hỗ trợ, giúp nhau về giống, vốn, ngày công lao động... Cụ thể, các cấp Hội vận động số tiền hơn 2 tỷ đồng 83 chỉ vàng, 14.529 cây con giống, 5.927 kg lúa, gạo, 6.253 ngày công lao động giúp cho 1.086 chị có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.Tổ chức Hội nghị biểu dương 23 phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi năm 2023.
Với Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, phong trào phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ trong hội viên luôn được chú trọng. Các cấp Hội vận động hội viên nông dân tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết, tương trợ giúp đỡ những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về vốn, vật tư và kinh nghiệm sản xuất. Kết quả đã vận động 32,7 tỷ đồng, 60.749 công lao động, 22.043 con giống, 59.620 cây giống; 10.000 kg lương thực, giúp đỡ cho 2.543 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tặng nhà tình nghĩa cho nông dân người dân tộc thiểu số xã Tà Nung, Đà Lạt |
Năm 2023, theo kế hoạch của UBND tỉnh, toàn tỉnh vận động hỗ trợ cho ít nhất 3.415 hộ nghèo, cận nghèo (có 2.014 hộ đồng bào dân tộc thiểu số) với kinh phí hỗ trợ khoảng 68,3 tỷ đồng. Trong đó, các sở, ngành, tổ chức chính trị cấp tỉnh hỗ trợ trực tiếp về nguồn lực tài chính, đồng thời, chịu trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp phương thức hỗ trợ sinh kế cụ thể đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo để thoát nghèo bền vững trong năm 2023.
Thống kê trong gần 10 tháng năm 2023, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ hàng chục tỷ đồng xây dựng 25 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo là người cao tuổi, người khuyết tật ở các huyện trên địa bàn. Cấp huyện và xã cũng phân bổ hàng tỷ đồng xây dựng 77 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 24 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh cho những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo; tặng học bổng cho học sinh nghèo; hỗ trợ phương tiện sản xuất giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo… Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nghèo đa chiều vẫn còn cao (chiếm 5,34%), trong đó có 6.636 hộ nghèo và 11.601 hộ cận nghèo. Rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo vẫn cần sự giúp đỡ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Kết quả thực hiện giảm nghèo qua hỗ trợ sinh kế, đến nay, các sở, ngành cấp tỉnh đã hỗ trợ cho 165 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng (20 triệu đồng/hộ). Các huyện, thành phố cũng đã vận động thêm các nguồn hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo của địa phương với tổng số tiền khoảng 9 tỷ đồng. Thống kê của MTTQ tỉnh, từ năm 2019 đến tháng 6/2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh tiếp nhận được hơn 176 tỷ đồng, đã phân bổ hỗ trợ xây dựng mới 1.573 và sửa chữa 438 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho 1.257 hộ nghèo với số tiền 18,5 tỷ đồng.
Đến nay, cơ bản những hộ được nhận kinh phí hỗ trợ sinh kế giảm nghèo đều đã sử dụng có hiệu quả các sinh kế được trao và thực hiện cam kết sẽ nỗ lực được ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo trong thời gian sớm nhất.
Dê lai được trao tặng cho đồng bào nghèo Lộc Bắc, Bảo Lâm |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin