Trường Đại học Đà Lạt - Dalat University (DLU) là biểu tượng văn hóa của khu vực bởi các chương trình nghiên cứu và giảng dạy của trường phản ánh, đồng thời nuôi dưỡng những giá trị lịch sử và bản sắc truyền thống của vùng văn hóa Tây Nguyên. Trong tầm nhìn đến năm 2030, DLU sẽ là cơ sở giáo dục được kiểm định theo các tiêu chuẩn của AUN-QA và phát triển từ Trường Đại học Đà Lạt thành Đại học Đà Lạt với ít nhất ba trường thành viên, hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm ưu tú trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng trên bản đồ giáo dục đại học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Trường Đại học Đà Lạt |
Trong quá trình hội nhập quốc tế, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, DLU luôn nỗ lực, gìn giữ và phát huy ba giá trị cốt lõi: Thụ nhân - Khai phóng - Bản sắc. Các giá trị cốt lõi này xác lập những nguyên tắc căn bản và quan trọng cho mọi quyết định và hoạt động của trường. Nhắc tới “Thụ nhân”, bởi các chương trình của trường mang đậm tính nhân bản, bởi không chỉ chú trọng việc cung cấp kiến thức chuyên môn và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp cho người học, mà còn đặt trọng tâm vào việc tăng cường sự thấu hiểu các giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, nuôi dưỡng nơi người học tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và lòng nhiệt thành phụng sự Tổ quốc. Tạo dựng nền móng vững chắc ở hai chữ “Thụ nhân”, DLU còn thích ứng với sự thay đổi không ngừng của xã hội trên căn bản triết lý giáo dục “Khai phóng” với mong muốn sau cùng nhằm tạo ra những thế hệ con người có nền tảng kiến thức rộng, có tư duy phản biện, có kỹ năng nghề nghiệp linh hoạt và khả năng sáng tạo không ngừng. Tất cả những giá trị tốt đẹp đó đều được các thế hệ thầy và trò DLU nuôi dưỡng, kiến tạo nên từ những giá trị lịch sử và bản sắc truyền thống của cả vùng đất Tây Nguyên tươi đẹp.
Viện Đại học Đà Lạt là cơ sở giáo dục đại học có truyền thống lâu đời nhất ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Cơ sở ban đầu của Viện đặt trên khuôn viên của Trường Thiếu sinh quân hỗn hợp Âu - Á Đà Lạt. Viện là tổ chức thuộc quyền sở hữu của Hội Đại học Đà Lạt, hoạt động theo Nghị định số 67/BNV/NA/P5 ngày 8/8/1957 của Bộ Nội vụ, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Viện tuyển sinh những người có bằng Tú tài toàn phần để đào tạo niên khóa đại học đầu tiên từ năm 1958.
Trường Đại học Đà Lạt là một trung tâm đào tạo uy tín của khu vực và cả nước |
Viện Đại học Đà Lạt là cơ sở giáo dục đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa và chiếm vị thế chủ đạo về quy mô đào tạo trong số 16 viện đại học tư thục thời bấy giờ. Tính đến niên khóa 1973-1974, đã có 31.500 sinh viên và học viên ghi danh theo học bậc đại học và cao học tại Viện; trong đó đã có 1.900 người tốt nghiệp cử nhân và 58 người tốt nghiệp cao học. Viện chính thức được phép cấp văn bằng đại học theo Sắc lệnh số 190/GD ngày 28/8/1961 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Viện được tổ chức thành 4 trường đại học (phân khoa), gồm: Sư phạm, Văn khoa, Khoa học, và Chánh trị Kinh doanh. Từ 1961, Viện lấy triết lý “Thụ nhân” làm căn bản. Mô hình tổ chức, quản lý đào tạo từ Viện đến trường (khoa) và các ban một cách hài hòa chặt chẽ; kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành, thích ứng điều kiện thực tế đương thời. Đó là hành trang ban đầu trong tiến trình phát triển tiếp theo của Trường Đại học Đà Lạt.
Ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 426 thành lập Trường Đại học Đà Lạt trên cơ sở kế thừa Viện Đại học Đà Lạt.
Hơn sáu thập niên hình thành, đổi mới và phát triển, DLU ngày nay là một cơ sở giáo dục đa ngành, khẳng định vị thế vững chắc là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phuc vụ cộng đồng có chất lượng, uy tín cao ở khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, đồng thời có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của quốc gia.
Trường có chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra quốc tế CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Thực hiện - Vận hành). Nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, không chỉ trang bị cho người học kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn chú trọng trau dồi các kỹ năng và thái độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thế giới việc làm trong kỷ nguyên số. Các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đa dạng, thuộc các khối ngành: Sư phạm, Khoa học xã hội và Nhân văn, Khoa học tự nhiên và công nghệ, Kinh tế và quản lý; bao gồm 41 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy, 10 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 6 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, trường còn đào tạo theo các hình thức giáo dục thường xuyên, bao gồm vừa học vừa làm, văn bằng hai, liên thông và các hình thức ngắn hạn khác.
DLU đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục năm 2019 và có 8 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng (5 chương trình theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), 3 chương trình theo tiêu chuẩn của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á AUN-QA).
Hiện nay, DLU được xếp hạng thứ 38 trong Top 100 đại học hàng đầu của Việt Nam theo bảng xếp hạng của VNUR 2023. Trường luôn nằm trong Top 30 trường đại học hàng đầu trong cả nước được Bộ GD-ĐT tặng thưởng về thành tích công bố các công trình khoa học trên các tạp chí uy tín thế giới.
Trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, DLU xác định sứ mệnh của mình là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
Niềm tin về sứ mệnh tốt đẹp này càng được củng cố khi ngày 6/10/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã hoạch định những đường lối, chính sách quan trọng, định hướng cho sự phát triển nhanh, bền vững của khu vực Tây Nguyên. Trong đó, việc nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển là một trong những khâu đột phá quan trọng. Cùng với đó, kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại Hội nghị phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, triển khai Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị cũng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp: “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển bền vững của vùng. Xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Buôn Ma Thuột, TP Đà Lạt, mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng, trong đó ưu tiên phát triển Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt. Tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển vùng”. Những chủ trương, chính sách quan trọng của Trung ương Đảng, của Bộ GD-ĐT về phát triển vùng Tây Nguyên nói chung và phát triển giáo dục, đào tạo tại khu vực nói riêng sẽ là cơ hội để DLU có được những thời cơ thuận lợi trong lộ trình phát triển cũng như đặt ra nhiều nhiệm vụ phát triển mới phù hợp với xu thế vận động của đời sống xã hội.
Theo TS. Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, đồng thời khẳng định vị thế của trường không chỉ khu biệt ở khu vực, trong thời gian tới, trường tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, đáp ứng những yêu cầu cao của công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, của khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng góp vào sự phát triển xanh, hài hòa, bền vững của khu vực Tây Nguyên. Cũng theo TS. Lê Minh Chiến, DLU tọa lạc giữa thành phố hoa Đà Lạt - trung tâm khoa học, giáo dục, văn hóa và du lịch hàng đầu ở Tây Nguyên. Trong chiến lược phát triển, việc nghiên cứu, xây dựng, phát triển các ngành học mới, phù hợp với thế mạnh của trường... DLU đã tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển nhanh của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ cũng như của cả nước.
Không khó để khẳng định, DLU luôn là ngôi trường có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của khu vực Tây Nguyên trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, đổi mới và phát triển của mình. Bởi ở tất cả các giai đoạn, trường đều có đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao, có nhiều năm gắn bó và am hiểu sâu sắc về vùng đất Tây Nguyên. DLU cũng là một ngôi trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, do đó trường đã thiết lập được hợp tác chặt chẽ, mật thiết với các trung tâm nghiên cứu, đào tạo khoa học xã hội hàng đầu của cả nước. Đặc biệt, chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của DLU hiện nay là tập trung nghiên cứu về vùng Tây Nguyên. Trường cũng hướng đến mục tiêu là địa chỉ tin cậy, uy tín để các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước kết nối, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu về những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa của vùng đất và con người Tây Nguyên.
Truyền thống tạo nên bản sắc, bản sắc tạo nên những giá trị cốt lõi. Và chính những giá trị cốt lõi được duy trì qua nhiều thế hệ ấy đã giúp cho DLU luôn là biểu tượng văn hóa của khu vực, là nơi đào tạo hiền tài, cung cấp nguyên khí cho quốc gia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin