TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT, CHẶNG ĐƯỜNG 65 NĂM TỰ HÀO, TIÊN PHONG VÀ SÁNG TẠO:
Truyền thống khiến nhà trường không thể ngừng thay đổi

LAM ANH 06:20, 15/11/2023

Là một ngôi trường danh giá, Trường Đại học Đà Lạt (DLU) luôn không ngừng vận động và kiến tạo nên những giá trị mới trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Tiên phong và sáng tạo luôn là nền tảng căn bản để ngôi trường này có được vị thế vững chắc trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Trung tâm AI của Trường Đại học Đà Lạt
Trung tâm AI của Trường Đại học Đà Lạt

DLU là một những cơ sở giáo dục đại học có truyền thống lâu đời nhất ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ (từ năm 1958) và bắt đầu từ năm 1976, đây cũng là một trong bốn ngôi trường đại học tổng hợp của Việt Nam khi đất nước thống nhất.

Một trong những đổi thay, mang đậm dấu ấn lịch sử đó chính là việc trường đã mở rộng quy mô và đa dạng hóa ngành đào tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển từ đại học tổng hợp thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, phù hợp với thông lệ quốc tế trong giáo dục đại học.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế sau đổi mới, bắt đầu từ năm 1990, DLU là một trong những trường đại học đầu tiên của Việt Nam tiên phong tái lập và đào tạo cử nhân ngành Quản trị kinh doanh. Sau hơn 30 năm, ngành Quản trị kinh doanh của trường vẫn là một trong những ngành học chất lượng, có số lượng sinh viên trong cả nước đăng kí nguyện vọng theo học đông nhất của trường.

Cũng bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, DLU luôn là một trong số ít các trường đại học trong cả nước đào tạo các ngành học như: cử nhân Luật học và Việt Nam học. Không dừng lại ở đó, đến đầu những năm 2000, DLU tiếp tục mở rộng quy mô khi đưa vào đào tạo cử nhân ngành Du lịch hệ chính quy. Bắt đầu từ năm 2003, đây là ngôi trường duy nhất của khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội. Và ở thời điểm hiện tại, trường cũng một trong năm trường trong cả nước được Chính phủ cho phép đào tạo nhân lực ngành Năng lượng hạt nhân (từ năm 2010).

Cùng với Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Viện Sinh thái học, Trung tâm Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Trường Đại học Đà Lạt là một trong 5 địa chỉ của cả nước có Phòng Tiêu bản thực vật (Herbarium) được công nhận bởi Hiệp hội Herbarium quốc tế. 

Trên thế giới, trong số hàng trăm Herbarium tại các quốc gia, hiện chỉ có 2 địa chỉ lâu đời và nổi tiếng với số lượng tiêu bản (đặc biệt là tiêu bản chuẩn nhiều nhất), một ở Pháp (Paris, ký hiệu viết tắt là P) và ở Anh (Kew, ký hiệu viết tắt là K). Trong đó, vườn thực vật Hoàng gia Kew thành lập từ năm 1840 tại công viên Kew với bộ sưu tập 30.000 loài thực vật sống khác nhau, trên 7 triệu mẫu cây khô, bộ sưu tập lớn nhất thế giới. Tại đây còn có thư viện chứa hơn 750.000 cuốn sách, 175.000 bản in và bản vẽ minh họa các loài thực vật. Năm 2003, khu vườn này được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Và nơi này cũng trở thành một trong những khu vườn đẹp nhất nước Anh, hấp dẫn và thu hút hàng triệu du khách mỗi năm tại London.

Hiện nay, tại địa chỉ lưu giữ tiêu bản của DLU đã lên tới gần 20.000 mẫu thực vật. Kết quả này là cả quá trình nghiên cứu say mê, miệt mài của các nhà khoa học, giảng viên của trường cùng với sự góp sức của nhiều nhà khoa học quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới của các nhà khoa học ở Trường Đại học Đà Lạt và những nhà khoa học khác đã được gắn Herbarium, DLU, nhiều mẫu chuẩn danh pháp (type) đang được lưu giữ tại đây. Giới khoa học từ đó, biết rõ thêm về thương hiệu của Trường Đại học Đà Lạt. Có thể khẳng định, đây là trung tâm nghiên cứu lớn ở Việt Nam và vươn tầm quốc tế.

Năm 2014, DLU là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được trang bị hệ thống thiết bị mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực OPR 1000 Core Simulator (CoSi) do Hiệp hội Kỹ thuật hạt nhân Hàn Quốc (KNA), Tập đoàn Thủy điện, Điện Hạt nhân Hàn Quốc (CRI-KHNP), Đại học Hangyang (Hàn Quốc) tài trợ với sự đồng ý của hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng mức tài trợ khoảng 2 triệu USD. CoSi là hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực đầu tiên có mặt tại một trường đại học của Việt Nam. Hệ thống thiết bị gồm máy tính chủ công suất lớn và các máy tính trạm được cài đặt hệ thống phần mềm giả lập lõi lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3, thế hệ lò mới nhất được phát triển tại Hàn Quốc, công suất 1.000 MW. Hệ thống này mô phỏng tính toán các thông số thực của lò phản ứng OPR 1000, cung cấp, dự báo những sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động. Sinh viên ngành Hạt nhân của Trường Đại học Đà Lạt thực nghiệm hệ thống này trước khi tham gia tại Lò phản ứng hạt nhân của Viện Nghiên cứu hạt nhân.

Để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, năm 2022, Trung tâm Giáo dục Đào tạo trí tuệ nhân tạo Đại học Đà Lạt (AIC-DLU) đã được bấm nút khởi động. Đây là địa chỉ nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Sự ra đời của AIC - DLU bắt nguồn từ ý tưởng, đồng thời phản ánh hoài bão của TS.Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch IPPG và là cựu sinh viên của trường khi muốn xây dựng hệ sinh thái giáo dục Al-Robotics ở Việt Nam để ươm mầm cho các tài năng khác. Trung tâm ra đời với sự quyết tâm của Trường Đại học Đà Lạt và hỗ trợ tích cực của một cựu sinh viên với sứ mệnh đưa trí tuệ nhân tạo trở nên gần gũi, thiết thực với cộng đồng, nhất là đối với học sinh, sinh viên, thông qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài về AI có thể thích nghi với thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

DLU hiện nay cũng đang sở hữu bảo tàng côn trùng với hơn 20.000 tiêu bản. Bảo tàng là niềm đam mê của TS. Lee Hyun Suk - người đã bén duyên và ở lại Đà Lạt bằng tình yêu của một nửa cuộc đời với một giảng viên của Trường Đại học Đà Lạt. Tọa lạc tại khu nhà A11 (DLU), Bảo tàng Côn trùng của TS. Lee Hyun Suk với hàng nghìn vật mẫu côn trùng được lưu trữ trưng bày cung cấp vật mẫu cũng như đối chiếu vật mẫu cho các hoạt động nghiên cứu về các lĩnh vực khoa học sự sống. Đặc biệt là các nghiên cứu về côn trùng học, hệ thống học và phân loại học, sinh học quần thể, quần xã, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn có vai trò là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất phục vụ cho giảng dạy và đào tạo của Khoa Sinh học và của Trường Đại học Đà Lạt. Ngoài ra, các bộ mẫu trong Bảo tàng Côn trùng có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng phục vụ nghiên cứu, đào tạo, hướng tới phục vụ giáo dục cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu côn trùng học tại Việt Nam.

Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt hiện nay cũng là một mốc son đầy tự hào trong chặng đường 65 năm tiên phong và sáng tạo của DLU. Đây là một trong 6 tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được chỉ mục trong Hệ thống trích dẫn khoa học Đông Nam Á (ACI) từ 2017. Là tạp chí khoa học đa ngành đầu tiên xuất bản bởi một đơn vị trong nước được chấp nhận làm thành viên của Ủy ban Đạo đức xuất bản quốc tế (COPE), được chỉ mục vào Thư mục Các tạp chí truy cập tự do (DOAJ) từ 2018, được cấp DOAJ Seal từ năm 2020 và là đối tác chính thức của Publons (Web of Science) từ 2021. 

Không ngừng đổi mới, tiên phong và sáng tạo, DLU đã và đang khẳng định được vị thế là một trung tâm ưu tú trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng trên bản đồ giáo dục đại học của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.