BẢO HIỂM XÃ HỘI LÂM ĐỒNG - ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI DÂN:
Những quy định mới về BHYT

AN NHIÊN 06:09, 05/12/2023

Những quy định mới về chính sách BHYT vừa có hiệu lực thi hành đó là: Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tại TP Đà Lạt
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tại TP Đà Lạt

BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG VÀ HỖ TRỢ MỨC ĐÓNG BHYT

Ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 03/12/2023. Riêng quy định bãi bỏ tổng mức thanh toán được áp dụng từ 01/01/2019, một số quy định về bổ sung đối tượng, tăng mức hưởng được áp dụng từ ngày ban hành Nghị định 19/10/2023 để bảo đảm kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT. 

Nghị định đã có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Đồng thời, bổ sung và hỗ trợ mức đóng BHYT, sửa đổi mức hưởng BHYT và tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. 
 
Về bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia BHYT cụ thể: Bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. 

Bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023. Đây là các đối tượng người DTTS mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhưng trong thực tế vẫn còn đang rất khó khăn. Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ. 

Về bổ sung, nâng mức hưởng BHYT: Nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; dân công hỏa tuyến. Bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người DTTS thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và nhóm đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thay đổi cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH). Nghị định bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT, thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 01/01/2019. Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí KCB BHYT cho BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện thông báo số dự kiến chi KCB BHYT tới cơ sở KCB để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí KCB BHYT trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT của cơ sở KCB trong trường hợp vượt số dự kiến chi. 

Theo quy định mới, các chi phí KCB BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT đã được cơ quan BHXH giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. 

Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành. Các quy định này sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH, tạo điều kiện cho cơ sở KCB nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT.

Theo BHXH Lâm Đồng, tính đến tháng 10/2023 có 1.223.359 người tham gia BHYT (đạt 100,09% kế hoạch giao), tăng 25.860 người so với tháng 9/2023. Thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT tại tỉnh cho 1.559.695 lượt người với hơn 616 tỷ đồng (bao gồm cả thanh toán trực tiếp), chiếm 83,23% dự toán chi KCB BHYT tại tỉnh được giao năm 2023. So với cùng kỳ năm 2022, số tiền chi KCB tại tỉnh tăng 22,48% với hơn 113 tỷ đồng. Thanh toán chi phí KCB BHYT đa tuyến đi ngoài tỉnh cho 121.190 lượt người với hơn 366 tỷ đồng. 

Đến hết tháng 10/2023 đã có 1.387.482 lượt tra cứu thẻ BHYT bằng căn cước công dân với 1.071.987 lượt tra cứu thành công để KCB BHYT.

ÁP DỤNG GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH BHYT MỚI

Ngày 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2023/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.

Theo đó, Thông tư 22/2023/TT-BYT quy định về giá dịch vụ khám bệnh (bao gồm giá chi phí trực tiếp, tiền lương) như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt: 42.100 đồng; Bệnh viện hạng I: 42.100 đồng; Bệnh viện hạng II: 37.500 đồng; Bệnh viện hạng III: 33.200 đồng; Bệnh viện hạng IV: 30.100 đồng; Trạm y tế xã: 30.100 đồng. Hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở KCB): 200.000 đồng.

Giá dịch vụ khám bệnh quy định tại Thông tư 22/2023/TT-BYT được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc KCB. Trong đó, các chi phí trực tiếp tính trong mức giá dịch vụ khám bệnh bao gồm: Chi phí về quần áo, mũ, khẩu trang, ga, gối, đệm, chiếu, văn phòng phẩm, găng tay, bông, băng, cồn, gạc, nước muối rửa và các vật tư tiêu hao khác phục vụ công tác khám bệnh. Chi phí về điện; nước; nhiên liệu; xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế (rắn, lỏng); giặt, là, hấp, sấy, rửa, tiệt trùng đồ vải, dụng cụ thăm khám; chi phí vệ sinh và bảo đảm vệ sinh môi trường; vật tư, hóa chất khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn trong quá trình khám bệnh. Chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ như: điều hòa, máy tính, máy in, máy hút ẩm, quạt, bàn, ghế, giường, tủ, đèn chiếu sáng, các bộ dụng cụ, công cụ cần thiết khác trong quá trình khám bệnh.