Thời gian qua, những “trường học hạnh phúc” trên địa bàn huyện Cát Tiên đã thực sự mang đến niềm hạnh phúc cho mỗi giáo viên, học sinh khi đến trường. Từ cơ sở vật chất, không gian học tập, chất lượng giảng dạy đến các mối quan hệ giữa thầy cô, bạn bè đều có sự đổi thay tích cực.
Học sinh Trường Mầm non Đồng Nai tham gia trải nghiệm thực tế môi trường quân ngũ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cát Tiên |
Năm học 2023-2024 được xác định là năm trọng tâm đổi mới của ngành Giáo dục huyện Cát Tiên. Trong sự đổi mới đó thì việc xây dựng những “ngôi trường hạnh phúc” được cho là nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục. Ghi nhận tại Trường Mầm non Đức Phổ, từ năm học 2019-2020 đến nay, được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cát Tiên, nhà trường đã được cử cán bộ, giáo viên tham gia các khóa tập huấn về phương pháp STEAM trong giáo dục mầm non do Sở GD&ĐT cũng như Phòng GD&ĐT tổ chức; đồng thời, lập kế hoạch để từng bước tiếp cận STEAM trong các hoạt động của trẻ tại trường.
Bằng sự nhiệt tình, chủ động, ham học hỏi của mình, các cô giáo Trường Mầm non Đức Phổ đã ứng dụng linh hoạt phương pháp giáo dục STEAM với nhiều ưu điểm và minh họa bằng việc vận dụng vào tổ chức các hoạt động giáo dục hàng ngày cho trẻ. Đơn cử như trong các hoạt động học, hoạt động làm quen chữ cái, các cô đã cho trẻ dùng cúc áo, hạt pom pom màu sắc, nắp chai... để xếp, tạo hình thành các chữ cái đã học. Trong hoạt động tạo hình, trẻ được chơi với màu nước và vô vàn nguyên vật liệu, điều này tạo cơ hội cho trẻ biết sử dụng phối hợp các nguyên vật liệu khi tạo ra các sản phẩm, đây là tiền đề cho trẻ biết cách phối hợp các nguyên vật liệu bất kỳ...
Theo cô La Thị Sâm - Giáo viên Trường Mầm non Đức Phổ, ứng dụng giáo dục STEAM mở ra thế giới diệu kỳ cho trẻ mầm non, giúp trẻ được trải nghiệm, được thực hành bằng những kỹ năng, kiến thức vô cùng gần gũi với cuộc sống của trẻ. Qua mỗi hoạt động, trẻ em tạo ra được những sản phẩm, những kiến thức, kỹ năng hữu dụng trong cuộc sống. Điều đó tạo cho trẻ hứng khởi và niềm yêu thích đến trường, yêu thích khám phá tìm hiểu mọi vấn đề trong cuộc sống. Cách tiếp cận dạy học theo phương pháp STEAM chắc chắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng những lợi ích mà STEAM mang lại cho trẻ nhỏ và trường học thì rất lớn. Trường học sẽ không chỉ là nơi để giảng dạy lý thuyết mà ở nơi đó những đứa trẻ được trải nghiệm những kiến thức thực tiễn vừa lớn khôn, trưởng thành, “chơi thông minh và học vui vẻ”.
Trong khi đó, tại Trường Mầm non Quảng Ngãi, để Mô hình Trường mầm non hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào, đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường đã luôn tiên phong, đi đầu trong thực hiện các hoạt động. Từ việc tự bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho bản thân đến việc tuyên truyền, vận động cha mẹ trẻ và toàn xã hội chung tay xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc cho trẻ. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở trường mầm non luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ, giáo viên nhà trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm, do đó Trường Mầm non Quảng Ngãi đã đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng.
Cô Phạm Thị Kim Lệ - giáo viên Trường Mầm non Quảng Ngãi chia sẻ, tại nhà trường, bữa ăn hàng ngày của trẻ cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, khi đó chất thừa của loại thức ăn này sẽ bổ sung cho chất thiếu của loại thức ăn khác, giá trị dinh dưỡng của món ăn sẽ tăng lên, giúp cho cơ thể trẻ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển tốt. Một điều quan trọng đó là giáo viên phải tạo được không khí vui vẻ cho trẻ trước trong và sau khi ăn. Việc nâng cao chất lượng bữa ăn không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm mà cách tổ chức bữa ăn cũng hết sức cần thiết.
Sau khi phát động Phong trào xây dựng “Lớp học hạnh phúc” các lớp đã tiến hành triển khai xây dựng và thực hiện Mô hình “Bàn ăn hạnh phúc” đã đem lại những kết quả rất khả quan. Việc chuẩn bị địa điểm ăn, cách bố trí bàn cũng được chú trọng khâu thẫm mỹ, trên bàn ăn có khăn trải bàn, lọ hoa, có đĩa đựng khăn, thức ăn thừa, trẻ biết tự giác chuẩn bị bàn ăn, tự lựa chọn chỗ ngồi mà mình thích, tự đến nhận phần ăn của mình, giáo viên chỉ hướng dẫn, hỗ trợ. Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Chí Nhân - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cát Tiên cho biết, thực hiện Phong trào thi đua xây dựng “Trường học hạnh phúc” tạo môi trường học tập lý tưởng cho trẻ, là những việc khả thi chúng ta có thể làm được ngay, nằm trong tầm tay của mỗi cán bộ quản lý, thầy cô và học sinh các nhà trường. Để nhân rộng các “trường học hạnh phúc” trên địa bàn, Phòng GD&ĐT huyện đã tăng cường chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chủ động phối hợp với gia đình và cộng đồng cùng tham gia chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống tai nạn thương tích; an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, đơn vị đã tích cực tham mưu cho UBND huyện Cát Tiên quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang bị thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Các trường học chủ động xây dựng trường học thân thiện, trang trí khuôn viên trường lớp sáng, xanh, sạch, đẹp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin