Chú trọng đào tạo nghề và phát triển giáo dục nghề nghiệp

NHẬT MINH 06:24, 19/12/2023

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề và nâng cao thu nhập cho người lao động; thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng quan tâm và đạt được những kết quả nhất định.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức trên địa bàn huyện Đức Trọng
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức trên địa bàn huyện Đức Trọng

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, TĂNG CƯỜNG GẮN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP

Theo ông Võ Ngọc Hải - Trưởng Phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện trên địa bàn tỉnh có 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm 4 trường cao đẳng; 2 trường trung cấp; 18 trung tâm GDNN; 17 doanh nghiệp tham gia đào tạo trình độ sơ cấp. Trong đó, đào tạo 87 ngành, nghề; có 223 nhà giáo có trình độ trên đại học, chiếm 19,2% trên tổng số nhà giáo; 357 giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học, chiếm 30,7%; nhà giáo có trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật là 580 người, chiếm 46,7%.

Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) 37.000 người, tăng 2,77% so với kế hoạch năm. Kết quả tốt nghiệp GDNN đạt 35.000 người, qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,37%, tương ứng có 626.270 lao động qua đào tạo của lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế. Trong đó, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 22,73% đạt 100,4% so với kế hoạch năm.

Để đạt được kết quả này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, trong năm 2023, Sở đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức tư vấn tuyển sinh giáo GDNN và tư vấn thị trường lao động tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đà Lạt, Đức Trọng và Đam Rông cho trên 2.000 học sinh lớp 9 và lớp 12. Mặt khác, việc thực hiện đa dạng các loại hình tư vấn cung cấp thông tin qua tờ rơi, áp phích gửi đến các trường trung học cơ sở, tư vấn online định kỳ trong tuần của các trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các đối tượng tiếp cận thông tin, chế độ chính sách của nhà nước khi tham gia học trong khối GDNN cũng như cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, Sở đã tổ chức 9 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2023 cho hơn 300 người; 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề sơ cấp, cao đẳng cho 59 giáo viên giáo dục nghề nghiệp; 1 lớp nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho 68 giáo viên giáo dục nghề nghiệp; 1 lớp bồi dưỡng chính trị hè năm 2023 cho 122 cán bộ quản lý, nhà giáo các trường cao đẳng, trung cấp; xây dựng 3 chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề; 1 lớp nâng cao năng lực phát triển chương trình đào tạo cho 37 giáo viên GDNN.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề và nâng cao thu nhập cho người lao động. 

Đồng thời, công tác tổ chức tư vấn tuyển sinh GDNN và thị trường lao động đã được triển khai đồng bộ và liên tục dưới nhiều hình thức để hỗ trợ các đối tượng về cơ hội chọn nghề, học nghề gắn với việc làm và thị trường lao động; công tác đào tạo nghề của các trường trung cấp, cao đẳng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo, chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Cũng theo ông Võ Ngọc Hải, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác đào tạo nghề và phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, công tác tuyển sinh GDNN còn gặp khó khăn do tâm lý chuộng bằng cấp của phụ huynh và học sinh phổ thông hiện nay còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo GDNN chưa cao, một số người học sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề và phát triển GDNN, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nhân lực trong GDNN, khuyến khích các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động GDNN và đào tạo kỹ năng nghề tại nơi làm việc. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa GDNN.

Triển khai hướng dẫn thực hiện tốt việc đào tạo mới, đào tạo lại người lao động tại doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề; đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chính sách đào tạo nghề cho người lao động theo quy định.

Cùng với đó, tổ chức hội nghị đối thoại, hợp tác giữa 3 nhà “Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp” nhằm tạo nên sự liên kết trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động. Phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn tuyển sinh GDNN và thị trường lao động liên tục dưới nhiều hình thức để hỗ trợ các đối tượng về chọn nghề, học nghề gắn với việc làm và thị trường lao động.

Mặt khác, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để triển khai công tác hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định...