Chuyển đổi số tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ngành Hải quan

DIỄM THƯƠNG 06:06, 05/12/2023

Trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đặt ra quan điểm là “lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan làm nền tảng cho phát triển hải quan trong thời kỳ mới. Chi cục Hải quan Đà Lạt cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số, chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan trên môi trường số hiện đại, an ninh, an toàn.

Làm thủ tục thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan Đà Lạt. Ảnh: Viết Trọng
Làm thủ tục thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan Đà Lạt. Ảnh: Viết Trọng

Năm 2023, toàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp đăng ký kê khai thực hiện các thủ tục hải quan, đạt trên 84% so với chỉ tiêu thực hiện. Chi cục Hải quan Đà Lạt đã thực hiện trên 8.4000 tờ khai đăng kí kê khai thủ tục hải quan, tăng gần 1.000 bộ so với cùng kỳ, với kim ngạch đạt 490 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính như: Khoáng sản, alumin, chè, cà phê, rau, hoa, nguyên liệu dệt may. Riêng hoạt động nhập khẩu với các sản phẩm thực vật, giống cây trồng, phân bón, hóa chất, máy móc, thiết bị nhà kính. Cũng theo Chi cục Hải quan Đà Lạt, số thu phát sinh trong tháng chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp truyền thống, không phát sinh thêm các khoản thu mới. Để bảo đảm chỉ tiêu thu ngân sách đạt 315 tỷ đồng theo kế hoạch được giao, trong những tháng còn lại của năm 2023, Chi cục Hải quan Đà Lạt tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thu hút các doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan tại đơn vị, đồng thời, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai thủ tục hải quan, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thu ngân sách được giao.

Hiện nay, Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã được triển khai đến 100% Chi cục Hải quan trên cả nước. Đáng chú ý, thời gian thông quan với các lô hàng có tờ khai luồng Xanh chỉ trong vòng vài giây. Ngành Hải quan cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, các trang thiết bị đã phát huy hiệu quả, góp phần thông quan nhanh hàng hóa cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý.

Ngành Hải quan đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số
Ngành Hải quan đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

Ông Lã Văn Lập - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Đà Lạt cho biết: Tổng cục Hải quan phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2025, hoàn thiện mô hình hải quan thông minh trong năm 2023. Ngành Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hải quan số, với các chỉ tiêu 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Trước tiên, thực hiện chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan. 

Theo đó, ngành Hải quan sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan số. Cụ thể là rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ hiện nay, xây dựng các quy trình để đảm bảo tính liên thông, liên tục, đáp ứng yêu cầu quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời, tạo điều kiện để ứng dụng mạnh mẽ CNTT và các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, sẽ triển khai chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). 

Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm liên quan khác như: chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành; phát triển các hệ thống nền tảng đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ số ngành Hải quan phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin nội ngành theo mô hình kết nối chia sẻ tập trung; chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; xây dựng các dịch vụ nền tảng để triển khai Chính phủ điện tử cơ quan hải quan và hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data).

Việc ứng dụng CNTT, công nghệ số là nhân tố quan trọng, giúp cơ quan hải quan tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, đồng thời, là cơ sở để xây dựng hệ thống CNTT phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới hải quan số. Chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt được toàn ngành Hải quan tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện trong thời gian tới.