Đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển bền vững

LINH NHÂN 18:10, 15/12/2023

(LĐ online) - Phát triển xã hội, phát triển con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân luôn là mục tiêu cốt lõi của công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng, quan tâm thực hiện các chính sách xã hội theo phương châm: Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, nhằm đem lại hạnh phúc ngày càng nhiều cho Nhân dân.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có sự  chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trong tổng số 26 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn, 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020; có nhiều điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội; chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt, là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội, đảm bảo 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú, có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng... Chỉ số phát triển con người (HDI) từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 vào năm 2020. Vấn đề việc làm, thu nhập đã không ngừng được cải thiện. Thể chế thị trường từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm. Hàng năm, bình quân giải quyết việc làm cho 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở dưới mức 3%...

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn những hạn chế, bất cập. Chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ và chưa bao phủ hết đối tượng; chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa vùng miền, nhóm đối tượng còn cao. Các chính sách thị trường lao động hiệu quả chưa cao; nhóm lao động khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đúng mức; độ bao phủ BHXH thấp so với tiềm năng, BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em chậm được cải thiện; chất lượng dịch vụ y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch theo tiêu chuẩn Quốc gia còn thấp; phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41% so với mục tiêu...

Dự báo tình hình thế giới cũng như trong nước thời gian tới tiếp tục điễn biến phức tạp, khó lường; đồng thời bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, các quan điểm và định hướng về chính sách xã hội qua các kỳ Đại hội Đảng, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 10/6/2012 (khoá XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận và ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Nghị quyết số 42-NQ/TW có nhiều điểm mới nổi bật so với Nghị quyết số 15-NQ/TW (khoá XI). Cụ thể như: phạm vi không còn giới hạn trong “một số vấn đề” mà được mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cách tiếp cận được điều chỉnh, từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển”; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội. Kết hợp hài hòa giữa tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội khác để ổn định xã hội; đồng thời tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về quan điểm, Nghị quyết 42-NQ/TW đưa ra 4 nhóm quan điểm, vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó nhấn mạnh một số nội dung như: Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; Chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; Giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, chăm lo con người và vì con người; Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; Đổi mới công tác quản lý Nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.

Nghị quyết 42 nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Đồng thời, đưa ra 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và xác định tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết 42 đưa ra hệ thống 9 nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về chính sách xã hội, đó là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội;  Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội; Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau; Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội; Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội. Như vậy, trước đây Nghị quyết 15-NQ/TW khóa XI chủ yếu tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp (chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội và giải pháp thực hiện), thì Nghị quyết lần này đã nâng lên thành 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn.

Trong quá trình triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cần lưu ý một số điểm trọng tâm như: Tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực); bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường); thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Đồng thời, xây dựng Khung quốc gia về thích ứng già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế; phấn đấu Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên hợp quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Để đưa Nghị quyết số 42-NQ/TW sớm vào cuộc sống, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: (i) Lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương. (ii) Xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong giai đoạn mới. (iii) Khẩn trương thể chế hoá Nghị quyết, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội; xây dựng chiến lược, chương trình quốc gia, đề án về chính sách xã hội. (iv) Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; kịp thời phát hiện, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả cao; chấn chỉnh những nơi thực hiện Nghị quyết chưa tốt. (v) Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, có giải pháp, lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết.

Để việc tổ chức thực hiện không còn là khâu yếu kém, các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm đưa Nghị quyết 42 sớm đi vào cuộc sống.