Từ năm 2000, cùng với sự đô thị hóa, số người di cư trong nước bắt đầu tăng nhanh do nền kinh tế phát triển và có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Sự dịch chuyển lực lượng lao động nội địa ở nước ta sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội nhưng nếu tiến trình này không được điều tiết thì sẽ xuất hiện nhiều hệ lụy và hệ lụy ngày càng lớn, có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Di cư gắn liền với đô thị hóa
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tính từ năm 1975 đến giữa năm 2023 có tới 114 triệu người trên thế giới phải rời quê hương bản quán, rời đất nước vì nhiều lý do.
Như vậy là cứ 73 người trên Trái Đất thì có một người rơi vào vòng xoáy dịch chuyển. Trong số này có 58% là người di cư nội địa, tức dịch chuyển trong ranh giới một quốc gia.
Còn theo dự báo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), đến năm 2050 sẽ có khoảng 405 triệu người di cư từ nước này sang nước khác.
Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) cho biết, nước ta có hơn 650.000 người đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, gần 2.000 du học sinh, chưa kể số người thuộc các loại hình di cư khác.
Bên cạnh đó, theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có 6,4 triệu người di cư nội địa. Chúng ta quan niệm rằng di cư là sự thay đổi nơi cư trú của một người từ đơn vị hành chính này tới một đơn vị khác trong nước vào một khoảng thời gian nhất định.
Một công dân từ 5 tuổi trở lên được coi là người di cư nếu nơi thường trú thực tế hiện nay và nơi thường trú thực tế vào 5 năm trước không cùng thuộc một đơn vị hành chính cấp xã.
Quá trình di cư nội địa ở nước ta gắn liền với việc đô thị hóa. Trong giai đoạn 2000-2010 các khu đô thị của Việt Nam tăng 2,8% hằng năm.
Kinh tế đô thị tăng bình quân 12-15%/năm, gấp 1,2 đến 1,5 lần mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Đến cuối năm 2022, Việt Nam đã có 888 đô thị các loại.
Cũng từ năm 2000, cùng với sự đô thị hóa, số người di cư trong nước bắt đầu tăng nhanh do nền kinh tế Việt Nam phát triển và có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Ngành nông nghiệp có khoảng 7 triệu héc ta đất canh tác, chỉ cần 19 triệu nhân công nhưng lại có tới hơn 25,5 triệu lao động, tức dôi ra khoảng 6,6 triệu người. Bên cạnh đó, người lao động ở nông thôn chỉ đủ việc làm trong khoảng 70-75% thời gian.
Quá trình đô thị hóa và sự ra đời ồ ạt các khu công nghiệp, khu chế xuất làm giảm diện tích đất canh tác và tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp. Điều này khiến người lao động di cư từ các tỉnh đồng bằng tới thành thị và các khu công nghiệp để kiếm việc làm.
Số người di cư nội địa tăng từ 2,4 triệu người vào năm 1989 (chiếm 4,5% dân số từ 5 tuổi trở lên) lên 4,5 triệu người vào năm 1999 (chiếm 6,5%). Tới năm 2009 nước ta có 6,7 triệu người di cư nội địa, chiếm 8,5% dân số từ 5 tuổi trở lên. Vào năm 2019, theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở diễn ra cùng năm, cả nước có 6,4 triệu người di cư, chiếm 7,3% dân số từ 5 tuổi trở lên của cả nước.
Kết quả cuộc Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình (tháng 4/2021) của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 vùng kinh tế - xã hội có 2 vùng có tỷ suất di cư thuần dương là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Vùng Đông Nam Bộ có số dân nhập cư cao nhất trong cả nước với hơn 290 nghìn người. Đồng bằng sông Hồng tiếp nhận gần 81 nghìn người. Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục dẫn đầu trong cả nước về số dân xuất cư với hơn 214 nghìn người.
Trong tổng số người di cư, nữ giới chiếm 55,5%, nam giới chiếm 44,5%. Có tới 61,8% số người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ (20-39 tuổi) vì mục đích chính của việc di cư là tìm việc làm.
Người lao động di cư đã góp sức lực của mình để thúc đẩy đô thị phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, họ cũng gây áp lực lớn đối với các đô thị bởi cứ 1.000 người sống tại thành thị thì có gần 200 người nhập cư.
Quá trình di cư và đô thị hóa nhanh tạo ra sức ép lớn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Cơ sở hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện, điện, nước, đường phố, vệ sinh môi trường và các điều kiện khác không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Điều này góp phần gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và các vấn đề về môi trường đô thị.
Bên cạnh đó, lao động di cư còn phải đối mặt với những khó khăn về an sinh xã hội, giáo dục, chăm sóc y tế… Họ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ. Trẻ em di cư cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, đặc biệt là ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tiến tới nông dân không phải ly hương
Việc dịch chuyển lao động nội địa tuân theo quy luật cung-cầu và cần thiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tuy nhiên, điều này cần có sự điều tiết từ phía Nhà nước để tránh những hệ lụy không mong muốn.
Bên cạnh việc đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng ở các đô thị lớn, phát triển các khu đô thị vệ tinh để giảm sức ép nhập cư, thay đổi chính sách an sinh xã hội có tính đến các yếu tố di cư… thì chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp-nông thôn mạnh mẽ hơn nữa là giải pháp gốc rễ và bền vững.
Trên thực tế, trong thập kỷ 2009-2019 việc thực hiện thành công các chương trình mục tiêu, dự án kinh tế-xã hội tại các địa phương, đáng chú ý nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, đã thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền. Điều này góp phần làm giảm số lượng người di cư từ nông thôn ra thành thị trong giai đoạn này. Nếu vào năm 2009 số người di cư tăng mạnh, lên tới 6,7 triệu người thì đến năm 2019 con số này chỉ còn 6,4 triệu.
Hiện tại nước ta có 100 triệu dân, trong đó số người sống ở nông thôn vẫn chiếm hơn 61%. Tính riêng về lực lượng lao động từ 15 đến 60 tuổi, vào thời điểm quý II năm 2023 nước ta có 52,3 triệu người, trong đó khu vực thành thị có 19 triệu người (chiếm 37,1%), khu vực nông thôn có 32,2 triệu người (chiếm 62,9%).
Để giải bài toán đảm bảo cuộc sống cho người nông dân mà không nhất thiết phải ly hương, cũng là một cách điều tiết tình trạng di dân nội địa trong tương lai, thì điều quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng đưa vào đời sống Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao đời sống nông dân, phát triển bền vững nông nghiệp, bảo đảm môi trường trong lành ở nông thôn:
Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp và cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp.
Cần cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương
Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Trong đó, cần tập trung xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp…
Phải xây dựng nông thôn mới với các yêu cầu cao hơn, toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân…
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa. Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011-2020.
Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian sắp tới.
Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học-công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao; hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ…
Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình Tăng trưởng Xanh.
Quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn kết với phát triển đô thị, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển bền vững kinh tế nông thôn; bảo đảm an ninh, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn nước; khuyến khích phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường…
(Theo TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin