(LĐ online) - Ngày 4/12, Hội thảo khoa học Lịch sử - Thực trạng - Định hướng cho sự phát triển Đà Lạt do Thành ủy Đà Lạt phối hợp với Trường Chính trị Lâm Đồng tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023) đã diễn ra tại thành phố Đà Lạt.
Trên 300 đại biểu tham gia hội thảo |
Tham dự hội thảo có đồng chí Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đà Lạt; đồng chí Nguyễn Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường Chính trị Lâm Đồng; lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt; đại diện các phòng ban trực thuộc thành phố, UBND các xã phường cùng trên 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.
Cách đây 130 năm, ngày 21/6/1893, bác sỹ Alexandre Yersin cùng đoàn thám hiểm đặt chân lên cao nguyên Langbian mở đầu cho việc hình thành thành phố Đà Lạt hiện nay. Hội thảo là một dịp để Đà Lạt nhìn nhận, đánh giá những thành tựu đạt được trong 130 năm qua, phác họa diện mạo hiện nay, đưa ra bước phát triển trong thời gian đến.
Trong lịch sử, người Pháp đã tiến hành nhiều cuộc thám hiểm trên khắp Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX. Với Đà Lạt, đó là các cuộc thám hiểm của Bác sĩ hải quân Paul Néis và Trung úy Albert Septans đã tìm ra ra cao nguyên Langbian và hành trình này sau đó mở đường cho nhiều chuyến đi khác như A. Gautier (năm 1882), L. Nouet (1882), thiếu tá Humann (1884).
Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh lính Pháp ở Đông Dương; Bác sỹ A. Yersin căn cứ vào khảo sát của mình đã đề nghị chọn cao nguyên Lâm Viên, nơi có khí hậu tương tự như vùng ôn đới châu Âu để xây dựng điểm nghỉ dưỡng này. Cuối tháng 3 năm 1899, đích thân Toàn quyền Paul Doumer cùng bác sĩ Yersin đã đến cao nguyên Lâm Viên để khảo sát và quyết định triển khai thực hiện dự định ban đầu.
Tháng 11/1899, Toàn quyền Paul Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với tỉnh lỵ tại Di Linh và hai trạm hành chính ở Tánh Linh và Lâm Viên. Đây là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành chức năng hành chính của thành phố Đà Lạt sau này.
Ngày 20 tháng 4 năm 1916, Hội đồng nhiếp chính của vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt; đến ngày 31/10/1920 thành lập thị xã Đà Lạt, đến năm 1941 khi tái lập tỉnh Langbian, Đà Lạt trở thành trung tâm của tỉnh Langbian, thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng tỉnh Langbian.
Năm 1923, Đà Lạt chỉ có 1.500 dân cư, tới năm 1938, dân số thành phố đã lên đến 9.000 người và năm 1944, Đà Lạt trở thành một đô thị hơn 25 ngàn dân. Giai đoạn từ năm 1916 cho tới chiến tranh thế giới thứ hai, các công trình cơ sở hạ tầng của Đà Lạt cũng dần hoàn thiện. Năm 1918, nhà máy điện được xây dựng, từ năm 1919 đến 1921, trường học, kho bạc, bưu điện và trạm xá lần lượt xuất hiện. Những năm đầu thế kỷ XX, ở Đà Lạt chỉ có những ngôi nhà gỗ, năm 1908 mới xuất hiện ngôi nhà gạch không tô đầu tiên. Đến thập niên 1920 và 1930, hàng loạt những công trình kiến trúc quy mô lớn đã được xây dựng, như khách sạn Langbian Palace, trường Trung học Yersin, Nhà ga Đà Lạt, dinh Toàn quyền... Giai đoạn này, các cơ sở văn hóa và giáo dục cũng bắt đầu phát triển, một số trường học như Trung học Yersin, Couvent des Oiseaux hay Thiếu sinh quân thu hút học sinh đến từ khắp Việt Nam và cả Đông Dương.
Năm 1938, khi nhà ga xe lửa hoàn thành, thời gian đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ, du khách tìm đến thành phố nghỉ dưỡng ngày một đông. Năm 1944, Đà Lạt gần như là thủ đô của Liên bang Đông Dương khi Toàn quyền và hầu hết các công sở quan trọng đều chuyển về làm việc ở đây. Đà Lạt vào năm 1945 đã trở thành một thành phố xinh đẹp của vùng Viễn Đông, một trung tâm giáo dục quan trọng và một điểm du lịch hấp dẫn.
Hội thảo khẳng định, trải qua lịch sử hơn 130 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Đà Lạt đã không ngừng xây đắp, gìn giữ và lưu truyền những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, giao thoa cùng với văn hóa của mọi miền dất nước, tạo nên một Đà Lạt vừa văn minh hiện đại vừa hiền hòa thơ mộng đáng yêu.
Từ miền đất hoang sơ được bác sĩ Alexandre Yersin khám phá cách đây 130 năm, ngày nay Đà Lạt có những bước tiến ngoạn mục, kinh tế - xã hội phát triển; hệ thống giao thông được nối kết với các vùng miền trong nước; trình độ dân trí được nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng… Đến nay, Đà Lạt là một đô thi du lịch nổi tiếng, thành phố Festival Hoa và đang trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, trở thành trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí của cả nước.
Đà Lạt được công nhận và vinh dự được nhận giải thưởng danh giá là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” trong hai năm 2018, 2019; là một trong những điểm đến lãng mạn nhất châu Á, không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn, đây cũng là một trong những vùng sản xuất rau, hoa ôn đới nổi tiếng của cả nước.
Các đại biểu tham dự bàn tròn thảo luận |
Hội thảo lần này được coi là một hoạt động trong chuỗi hoạt động chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Ban tổ chức hội thảo cho biết đã thu hút hơn 50 bài viết, tham luận của các nhà nghiên cứu, bài tham luận của các sở, ban, ngành của tỉnh, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đóng góp cho tập san kỷ yếu của hội thảo, xoay quanh các chủ đề về lịch sử về vùng đất, con người, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, những thành tựu của thành phố Đà Lạt trong 130 năm hình thành và phát triển.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Đại học Yersin Đà Lạt trình bày tham luận “Những đóng góp quan trọng của Bác sỹ Alexandre Yersin với thành phố Đà Lạt”; Tiến sỹ Bùi Trung Hưng - Đại học Công nghệ Đồng Nai trình bày tham luận “Những vấn đề và giải pháp để Đà Lạt phát triển bền vững đúng với tiềm năng của đô thi đặc thù”; nghe tham luận “Kinh tế đêm - Hiện trạng và một số kiến nghị phát triển cho Đà Lạt” của Thạc sỹ Lê Thị Ngọc Trà, Đại học Yersin, Đà Lạt.
Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo đề cập đến các vấn đề hiện nay như việc mở rộng không gian Đà Lạt; công tác bảo tồn rừng, xây dựng thành phố cảnh quan, đô thị sinh thái, di sản kiến trúc đi đôi với phát triển; phát triển các cơ chế chính sách mang tính đặc thù trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội tạo thuận lợi để Đà Lạt tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh trong tiến trình hội nhập và phát triển; xây dựng Đà Lạt thành thành phố đa chức năng, thành phố thông minh, thành phố di sản, thành phố sáng tạo tham gia vào chuỗi thành phố sáng tạo toàn cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin