(LĐ online) - Sáng 15/12, đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cùng lãnh đạo các sở, ban ngành và một số địa phương.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện các Chương trình theo đúng quy định; thực hiện lồng ghép đầu tư các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, hướng dẫn các huyện, thành phố lồng ghép đầu tư từ các nguồn vốn khác phù hợp để thực hiện các nội dung đầu tư thuộc các chương trình MTQG; tổ chức huy động nguồn vốn tín dụng, huy động sự tham gia đóng góp của người dân để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn nông thôn nhằm góp phần nâng cao tính đồng bộ và phát huy hiệu quả đầu tư của từng chương trình, dự án.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 trên địa bàn tỉnh |
Việc sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp và các nguồn vốn lồng ghép khác để thực hiện các chương trình MTQG đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Đồng chí Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi những vướng mắc trong Chương trình MTQG Xây dựng NTM của Lâm Đồng |
Đồng chí Lê Thị Thêu – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai các Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững |
Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là trên 1.961,9 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1.088,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương 873 tỷ đồng). Tổng số vốn bố trí thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 2021-2023 trên 1.530,2 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 889,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương 640,5 tỷ đồng); giá trị giải ngân đến nay 1.038,2 tỷ đồng, đạt 67,8% kế hoạch.
Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tại buổi làm việc |
Đồng chí Trần Đức Tài – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Để thực hiện tốt việc lồng ghép, huy động nguồn lực thực hiện chương trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các đề án, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, triển khai lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các chương trình MTQG như: cơ chế hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ vật tư”; quy định mức hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ phát triển hệ thống ao hồ nhỏ... bố trí các nguồn vốn theo hướng ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã phấn đấu về nông thôn mới (NTM),...
Việc đẩy mạnh phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư có sự tham gia của cộng đồng dân cư; khai thông nguồn vốn tín dụng để người dân đầu tư phát triển sản xuất cũng đã phát huy hiệu quả, thu hút nguồn lực thực hiện chương trình.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hà Thu Giang ghi nhận những kiến nghị về các chương trình tín dụng của các sở, ngành đã nêu ra |
Qua đánh giá, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt, cụ thể: cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 85,2 triệu đồng/người.
Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05%; riêng tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào DTTS giảm 5,09%; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 44,94 triệu đồng/người (tăng 20% năm 2022).
Hết năm 2023, toàn tỉnh dự kiến có 109/111 xã đạt chuẩn NTM, 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo cảnh quan nông thôn thay đổi, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cũng đã có những trao đổi, đề xuất, kiến nghị đối với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc |
Trong đó, nhiều kiến nghị liên quan đến các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của một số bộ, ngành Trung ương ban hành còn chậm; một số quy định chưa phù hợp, chậm sửa đổi nên khó khăn trong việc ban hành các văn bản quản lý, điều hành và triển khai các chương trình MTQG tại cơ sở.
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện 3 chương trình MTQG thấp; do đó, người dân chưa được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam trao đổi về chính sách tín dụng thực hiện các chương trình MTQG |
Các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần của các chương trình MTQG rất đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức triển khai, được quy định với nhiều định mức, nhiều chính sách khác nhau trong khi văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa cụ thể, rất khó khăn để áp dụng triển khai thực hiện.
Đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc |
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận và biểu dương những kết quả từ các chương trình mà Lâm Đồng đã đạt được. Lâm Đồng là địa phương đã có những thành tích nổi trội trong triển khai các chương trình đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội. Về 3 chương trình MTQG, Lâm Đồng là một số ít các tỉnh đã chủ động triển khai và nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện từ Trung ương. Qua trao đổi của lãnh đạo các sở, ngành, đồng chí Đào Minh Tú nhận định những khó khăn, vướng mắc của tỉnh cũng là tình trạng chung mà nhiều địa phương đã gặp phải.
Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc |
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị tỉnh cần tập trung các nguồn lực để giải quyết các mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra. Trong đó, các sở, ngành cần làm rõ hơn, cụ thể những khó khăn vướng mắc liên quan đến các bộ, ngành… và nêu bật những khó khăn mang tính đặc thù của tỉnh để trình lên các cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Lâm Đồng cần phát huy các các sáng kiến, cách làm hay của địa phương trong các lĩnh vực thế mạnh như du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm OCOP...
Về nguồn lực tín dụng trong các chương trình MTQG, đồng chí Đào Minh Tú cũng đề nghị các sở, ngành báo cáo, bổ sung số liệu về nguồn thực tế ngoài vốn ngân sách, vốn sự nghiệp… và kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin