Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc họp bàn với Cảng hàng không Liên Khương về công tác hỗ trợ, phối hợp nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương |
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hoàn thành việc nâng cấp, công bố Cảng hàng không Liên Khương là cảng hàng không quốc tế và UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đang hành hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để trình cấp thẩm quyền công bố Cảng hàng không Liên Khương là Cảng hàng không quốc tế.
Cảng hàng không Liên Khương hiện là cảng hàng không nội địa phục vụ hoạt động bay dân dụng và hoạt động bay quân sự, tiếp nhận các chuyến bay quốc tế không thường lệ và nội địa thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, các loại tàu bay quân sự, cùng các loại tàu bay khác khi được cấp phép khai thác. Cảng có 1 đường cất hạ cánh có khả năng tiếp thu các tàu bay code D và tương đương trở xuống (B757, A300, A320, A321, ATR72…) và 2 sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách có diện tích xây dựng 8.613 m2.
Từ tháng 1/2017 đến nay, Cảng hàng không Liên Khương đã phục vụ hơn 1.700 chuyến bay quốc tế từ Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Đà Lạt của các Hãng hàng không Air Asia, Korean Air, Thai Vietjet, Vietjet Air với hơn 200.000 lượt khách. Hiện tại, hãng hàng không Vietjet Air đang khai thác 2 đường bay Incheon và Pusan (Hàn Quốc) đi-đến Đà Lạt với tần suất 6 chuyến bay/tuần.
Để đáp ứng tiêu chuẩn, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP cũng sẽ khởi công dự án “Sửa chữa, cải tạo phòng CIP, phòng chờ số 1 và khu vực làm thủ tục ga đi - Cảng hàng không Liên Khương” nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng nhà ga hành khách và đặc biệt là đáp ứng điều kiện khai thác khi Cảng hàng không Liên Khương được nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế.
Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ được xây dựng trong 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương xây dựng với cấp sân bay 4E và công suất thiết kế dự kiến đạt 5 triệu hành khách mỗi năm. Trong giai đoạn từ 2030-2050, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương dự kiến sẽ có cấp sân bay 4E và công suất thiết kế đạt 7 triệu hành khách mỗi năm.
Giai đoạn này, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 đầy đủ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và hệ thống thiết bị phụ trợ dẫn đường tiên tiến để đón được các tàu bay như B757, A321 NEO.
Để thúc đẩy Cảng hàng không Liên Khương sớm hoàn thiện các điều kiện được công bố thành cảng hàng không quốc tế, tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để việc nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế sẽ sớm hoàn thành. Và để xúc tiến các đường bay quốc tế đi đến Cảng hàng không Liên Khương, mới đây, đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng cũng đã có chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn Sân bay Changi (Singapore) nhằm giới thiệu về du lịch Lâm Đồng, tình hình xúc tiến, chủ trương phát triển của Nhà nước Việt Nam và của tỉnh Lâm Đồng đối với Cảng hàng không Liên Khương và chia sẻ về sự quan tâm của các bên có liên quan trong việc xúc tiến mở các chuyến bay, đường bay quốc tế trực tiếp đi và đến sân bay Liên Khương trong thời gian tới. Ngoài ra, Cảng hàng không Liên Khương cũng đã làm việc với đại diện Hãng hàng không Jeju Air để chuẩn bị cho việc khai thác đường bay Incheon - Đà Lạt.
Cảng hàng không Liên Khương khi được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế sẽ là cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, khi có các đường bay thường lệ quốc tế đi - đến Liên Khương sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin