Nỗ lực ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

D. QUỲNH 14:50, 07/12/2023

(LĐ online) - Mặc dù chính quyền các cấp ở Lâm Đồng đã thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhưng trong thực tế,   tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ở Lâm Đồng vẫn còn tồn tại  gây nhiều hệ lụy cho dời sống sức khỏe sinh sản và duy trì nòi giống.  

Cộng đồng hỗ trợ quyền lên tiếng của phụ nữ

NHỮNG TÂM SỰ BUỒN

“Vì lỡ rồi nên em phải ở nhà làm mẹ chăm sóc con, em biết là vi phạm pháp luật như nhưng lỡ rồi nên sinh thôi”. Lời tâm sự của Cil Yu Ra Sxuy ở thôn Đưng Ksy, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương khi chỉ vừa tròn 16 tuổi - cái tuổi đẹp nhất của một đời người khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Thay vì cắp sách đến trường như bạn bè đồng trang lứa,  Ra Sxuy đã phải gánh trên vai thiên chức làm mẹ. Cuộc sống của Ra Sxuy  khó khăn mọi bề. Không chỉ có Cil Yu Ra Sxuy mà còn rất nhiều gia đình khác như hoàn cảnh con gái của ông Ko Sa Ha Thanh, thôn Đông Mang xã Đạ Chais kết hôn khi chưa đủ tuổi cũng để lại những hậu nặng nề về cả tinh thần lẫn thể chất cho các bạn trẻ.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh có hơn 700 cặp vợ chồng tảo hôn, gần 30 cặp hôn nhân cận huyết thống. Riêng trong 3 từ năm 2015 đến năm 2018, qua khảo sát tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 15 xã vùng DTTS có trên 300 cặp vợ chồng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tập trung tại các địa bàn Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Thực tế cho thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ  vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn để lại nhiều hệ lụy rất lớn cho gia đình và xã hội.  Không chỉ bị cái đói cái nghèo đeo bám;  tảo hôn  và hôn nhân cận huyết còn khiến cho đối tượng mắc phải các di chứng nặng nề về sức khỏe và giống nòi.

Nguyên nhân của thực trạng này không gì khác hơn là sự lạc hậu  trong suy nghĩ và nhận thức. Được biết, Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch thực hiện Đề án giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2015-2020, Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát, đánh giá, xác định nhận thức, hiểu biết và nhu cầu thông tin của đồng bào DTTS đối với các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền về hôn nhân và gia đình nói chung, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói riêng; xây dựng, triển khai, nhân rộng mô hình điểm; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; tổ chức hội thảo, tọa đàm nhằm góp phần giảm thiểu, đẩy lùi, hạn chế các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trồng dâu nuôi tằm, nâng cao vị thế trong gia đình

MỘT CÁCH LÀM HIỆU QUẢ

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ  tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn II: 2022 - 2027 năm 2023, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Đam Rông đặc biệt coi trọng việc phòng chống tảo hôn trên địa bàn. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền là để khơi thông tư tưởng, suy nghĩ đúng sẽ hành động đúng; Hội LHPN huyện đã  tích cực chỉ đạo Hội LHPN cơ sở đẩy mạnh việc tuyên truyền dưới mọi hình thức. Những nội dung liên quan đến Luật Hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ tục thách cưới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.... đã được chuyển tải đến đội ngũ  cán bộ, hội viên phụ nữ và bà con nhân dân thông qua các buổi họp thôn một cách sinh động, cụ thể.

Việc tận dụng mạng xã hội trong thời kỳ công nghệ 4.0 như zalo, facebook… cũng được các cấp hội vận dụng triệt để tạo nên nhiều đợt sinh hoạt rộng khắp trên địa bàn thông qua đội ngũ 120 tuyên truyền viên cơ sở. Nhiều chính sách liên quan đến chủ đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn nhằm hạn chế sinh con thứ 3 trở lên, các quy định về độ tuổi kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định của pháp luật; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã len lỏi được đến tận các bản làng xa xôi có ngu cơ cao  như thôn 5 (xã Rô Men),  Tiểu 178, 179, 181, Tây Sơn, Đạ M’rô (xã Liêng Srônh), thôn Dơng Glê (xã Phi Liêng)… thông qua 16 buổi tuyên truyền đã có 960 lượt người tham gia cập nhật kiến thức.

Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại gia đình

Với phương châm mưa dầm thấm lâu, đánh đúng và trúng vào tâm lý vùng miền, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Đam rông đã không để xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống nào. Với  5 trường hợp có nguy cơ tảo hôn cao  đã được chính quyền, Hội LHPN xã cùng các đoàn thể nắm bắt, tuyên truyền, vận động, ngăn chặn kịp thời nên đã không xảy ra. Rõ ràng, việc xem trọng đúng mức vai trò của công tác truyền thông đã góp phần tích cực làm đổi thay nhận thức và hành vi. Đó cũng là giải pháp căn bản để cuộc chiến đẩy lùi vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Lâm Đồng đạt được yếu tố bền vững, căn cơ.