Tâm thức di dân góp phần hình thành văn hóa con người Đà Lạt (Kỳ 3)

UÔNG THÁI BIỂU 10:46, 13/12/2023

GÓP PHẦN HÌNH THÀNH VĂN HÓA CON NGƯỜI ĐÀ LẠT
 

(LĐ online) - Trong hoàn cảnh di dân và một bộ phận khác là lưu dân, những cộng đồng dân cư đã tôi rèn những giá trị vừa có tính kế thừa từ văn minh làng xã cố xứ, vừa tiếp thu, đắp bồi những giá trị mới để phù hợp với nơi chốn lập cư, lập nghiệp mới. Thích nghi và hòa hợp nhanh là một trong những phẩm chất nổi trội của cư dân Đà Lạt. 

Có người khái quát về nét tính cách của người Đà Lạt là “đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét”
Có người khái quát về nét tính cách của người Đà Lạt là “đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét”. Ảnh: Chính Thành

Ví như làng Hà Đông vẫn gìn giữ nghề xưa ở miền cố xứ (những làng hoa ven hồ Tây như Nghi Tàm, Quảng Bá, Vạn Phúc, Tây Tựu, Ngọc Hà…). Qua bao thăng trầm, biến thiên của thời gian, người hồ Tây đi lập nghiệp trên vùng đất cao nguyên vẫn giữ nguyên cốt cách hào hoa, thanh lịch và bản tính cần cù chịu thương, chịu khó. Họ mang theo giọng nói gốc của người Hà Nội xưa và “gánh” vào Tây Nguyên hoang dã thuở nào những nét văn hóa ngàn năm sông Hồng. Ví như ấp Nghệ Tĩnh, dù đã lập cư trên quê mới gần một thế kỷ, qua nhiều thế hệ, nhưng con dân những xứ Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Đức Thọ… vẫn giữ nguyên nét tính cách mang vào từ quê cha đất tổ. Người của ấp đi ra phố là hòa nhập với văn hóa, sinh hoạt, cách ăn lời nói của “xứ đàng trong” còn khi về ấp, về làng lại ríu ran giọng Nghệ, lại chặt to kho mặn, lại í ới râm ran chè xanh, điệu ví câu giặm lại cất lên trong ầu ơ giọng bà ru cháu. Người dân các ấp Trường Xuân của người Quảng Nam, ấp Ánh Sáng của người Thừa Thiên Huế vào lập cư trên đất Đà Lạt từ những năm đầu thế kỷ trước cũng vậy. Những lễ nghi tâm linh, phong tục, tập quán, cúng tế, ma chay, cưới hỏi trong ấp, trong làng vẫn giữ nguyên nếp cũ. Chính bản sắc độc đáo từ các vùng miền đã góp phần làm đẹp thêm, sinh động thêm, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa cộng đồng và những nét tính cách của người Đà Lạt hôm nay...

* * *

Như đã lý giải trên, từ đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa đến “Thủ đô Hoàng triều cương thổ” của chính phủ Bảo Đại và các giai đoạn tiếp theo, đó là một quá trình biến động của lịch sử, lý do tạo nên những dòng hợp cư đến với Đà Lạt. Thuở xa xưa, giữa cao nguyên mênh mông chỉ có những bộ tộc đồng bào thiểu số sinh sống, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Đời sống của họ giản dị, tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Bỗng một ngày, không gian ấy được đánh thức, người muôn phương về đây tụ hội. “Nước chảy về chỗ trũng” (nói theo cách hiểu là về chỗ tốt hơn, thuận lợi hơn) là một nguyên lý của các dòng di cư trên thế giới, và cuộc hình thành dân cư Đà Lạt cũng không ngoài nguyên lý đó. Đó là không nói đến những bộ phận cư dân được hình thành mang tính “cưỡng bức” hoặc do sự áp đặt của thời cuộc. 

Người Pháp, người Hoa đã đến đây hồi đầu thế kỷ trước. Những dòng người Kinh từ khắp ba miền Trung- Nam- Bắc về đây. Họ mang theo những nét tính cách đã ổn định ngàn năm của người dân Việt Nam từ mọi miền quê khác nhau đến lập cư ở miền đất mới. Chính vì vậy, có thể nói rằng, nét tính cách của người Đà Lạt là sự hòa quyện giữa tính thật thà, hồn nhiên của người dân tộc thiểu số bản địa với nét tế nhị, trọng lễ nghĩa của người miền Bắc; vẻ suy tư, trầm mặc, cẩn trọng của người Thừa Thiên Huế; tính cần cù, cương nghị của người Quảng Nam, Quảng Ngãi; nét đôn hậu, phóng túng của người phương Nam, cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và phần nào là tinh thần cầu tiến, không cố chấp của người Pháp.    

Cũng là đời nông phu quanh năm đổ mồ hôi sôi nước mắt với cây cối ruộng vườn, nhưng ở họ tôi luôn gặp một nét tự tại, ung dung
Cũng là đời nông phu quanh năm đổ mồ hôi sôi nước mắt với cây cối ruộng vườn, nhưng nông dân Đà Lạt vẫn giữ nét tự tại, ung dung. Ảnh: Chính Thành

Như đã nói, phần lớn trong số cư dân ấy đến với thành phố cao nguyên trong hoàn cảnh nghèo khổ, tha phương cầu thực nên luôn có đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, lối sống tiết kiệm và giản dị. Tình chung cảnh ngộ, tình đồng hương đã gắn kết họ với nhau, tận tình giúp đỡ nhau trong những hoàn cảnh khó khăn. Chính vì đã trải qua sự bần hàn, lam lũ, nên người Đà Lạt rất coi trọng sự vươn lên vượt thoát hoàn cảnh, thiết tha với việc cho con cái học hành, nên đã tạo được một truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo qua nhiều thế hệ. Đà Lạt, cũng là nơi đặt chân của rất nhiều trường học, trung tâm nghiên cứu nổi tiếng cả về quân sự, khoa học lẫn tôn giáo.      

Ở một khía cạnh khác, khi những người Việt được học tập và làm việc trong các công sở hoặc tiếp xúc nhiều với người Pháp thì họ bắt đầu học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức, tay nghề và làm quen dần với tác phong sinh hoạt, cách làm việc, xã giao của người Pháp. Từ đó, nếp sống ấy đã in sâu vào tiềm thức của đa số người dân Đà Lạt và ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của các thế hệ sau này. Những năm tháng làm “thần dân” của “Hoàng triều cương thổ” cũng cho người Đà Lạt nhiễm chút phong lưu của giới quý tộc Nam triều. Mặt khác, Đà Lạt là một thành phố du lịch, du khách trong và ngoài nước thường xuyên đến đây, khá nhiều cư dân sống bằng nghề dịch vụ nên đức tính trọng khách được hình thành một cách tất yếu. Đó là chưa nói đến trong quá trình giao thoa, hội nhập giữa các luồng dân cư, những bản sắc riêng biệt của cư dân mỗi vùng đã dần dần được chọn lọc, đào thải và tổng hòa để hun đúc nên mẫu văn hóa con người Đà Lạt. Người Đà Lạt có nhiều nét không giống cư dân các miền, từ khí chất bên trong đến phong thái bên ngoài, từ cách hành xử đến lời ăn tiếng nói…

Lại nói về tâm thức di dân, lưu dân. Trong những thập niên trước, với khí hậu giá lạnh và sương mù quanh năm, lại sống trong những căn nhà gỗ nằm cheo leo trên các sườn đồi heo hút nên người Đà Lạt sống tĩnh tại và trầm mặc. Nhiều nhà nghiên cứu nhân văn còn cho rằng, chính vì sống giữa môi trường thiên nhiên còn nhiều hoang dã, khí hậu giá lạnh, màu xanh điệp trùng của rừng núi, vẻ đẹp dịu dàng của hoa lá và những đồi cỏ mênh mông đã tạo cho cư dân Đà Lạt bản tính nhẹ nhàng, đôi lúc còn tỏ ra bàng quan trước thời cuộc. Người Đà Lạt không dễ bất bình, nổi giận khi đứng trước những điều khó chịu. Có người khái quát về nét tính cách của người Đà Lạt là “đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét”, kể ra cũng có lý. Hơn một trăm năm trước, họ gánh vào đất mới những “tên xã, tên làng” rồi tự sưởi ấm tâm hồn, sưởi ấm lòng nhau trong những đêm rừng xưa hoang lạnh bằng nét riêng tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán và văn hóa cổ truyền bản nguyên cố xứ. Họ đã làm nên hồn cốt đô thị. Họ là những con người cất lên tiếng nói và hành vi ứng xử giao hòa thân thiết, gần gũi, sẻ chia, cộng cảm suốt tháng gió năm sương. Bước chân tha hương nặng tình cố xứ, cảm thức lưu dân nơi đất lạ xứ xa đã tạo nên những nét tính cách khác biệt, khác biệt cả phong cách giao tiếp, cách tạo dựng không gian sống và phương thức mưu sinh.

Từ sau ngày nước nhà thống nhất, đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, người dân từ các vùng đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải miền Trung, cán bộ các ngành từ miền Bắc vào tăng cường đã chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai. Họ đã tiếp tục dòng chảy di dân mới và mang vào đất mới nền văn minh làng xã đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa biển. Trên đất thành phố cao nguyên, nơi nào người dân từ các vùng miền trong nước về tụ cư tập trung thì nơi đó bản sắc văn hóa cố xứ hết sức đậm đà. Nó như những mạch nguồn âm ỉ trong dòng chảy đời sống hằng ngày của cư dân, cộng đồng. Mỗi khi có cơ hội thì dòng chảy ấy trào tuôn làm ấm thêm sắc màu quê mới. Nó thể hiện ở cách đặt tên làng, tên phố, bằng những bản “hương ước” kế thừa những mỹ tục, điều phải, lẽ hay từ quê cũ, làng xưa. Nó hiện hữu trong mỗi nét ăn, điều ở, lối sống, ứng xử và những biểu hiện hằng ngày. Những lời ca, điệu múa cổ truyền từ thuở ông bà vẫn được trao truyền, phát huy trong đời sống hôm nay.

* * *

Cách hình thành văn hóa giao hòa nông dân - thị dân cũng là một nét khác biệt của người Đà Lạt. Có thể nói, nông dân Đà Lạt không giống với nông dân ở nhiều vùng trong nước.

Nông dân Đà Lạt có gì đó rất khác. Đến Đà Lạt, du khách rất khó phân biệt đó là những thị dân hay nông dân, là công chức, trí thức hay người làm vườn. Bởi, những người làm vườn ở đô thị này có điều gì đó không giống với nông dân ở nhiều vùng quê khác; ở họ toát ra phong thái, hành vi và lời nói, cách tư duy và cả sự trải nghiệm văn hóa rất khác. Những nông dân sống giữa phố thị ấy mang dáng dấp của nông dân các trang trại thị tứ châu Âu. Cũng là đời nông phu quanh năm đổ mồ hôi sôi nước mắt với cây cối ruộng vườn, nhưng ở họ tôi luôn gặp một nét tự tại, ung dung  như họ chưa từng lam lũ bao giờ. Buổi sáng hoặc chiều về, họ thư giãn cà phê cùng bạn bè, đọc sách báo hay nghe nhạc. Cao hứng lên thì tụ tập vài ba người hàng xóm làm vài ly rượu hay một chầu bia. Còn khi ra với ruộng vườn, họ là những nông dân đích thực. Đó là những người làm vườn mà cả cuộc đời không rời xa đất đai, cây trồng, không rời xa nơi ông cha họ từng gắn bó và nay họ đang gắn bó bằng tất cả tâm hồn. Theo dòng thời gian, mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ từng đổ xuống luống cày. Niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau trong một đời nông phu gắn với sự lên bổng, xuống trầm của cây trồng qua mỗi mùa vụ. Thức ngủ cùng cây, cùng đất. Dầm mình nắng sớm, mưa chiều. Đối với người nông dân chính hiệu ở đây, với tình yêu nghiệp nhà nông của mình, họ luôn kiếm tìm, cập nhật thông tin khoa học, thông tin thị trường để thực sự tạo nên những mùa vàng.         

Phong thái, sự trải nghiệm và tư duy của nông dân Đà Lạt mang trong đó dấu ấn lịch sử, văn hóa và những đặc trưng của cư dân nông nghiệp sống giữa đô thị, tiếp cận sớm với sản xuất hàng hóa. Ngay từ buổi đầu lập phố, năm 1898, một trạm khảo nghiệm nông nghiệp đã được thiết lập ở vùng Đăng Kia do kỹ sư người Pháp M.Jacquet quản lý, đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và thực nghiệm các loài cây trồng. Đó là cơ sở ban đầu cho việc tạo lập nền sản xuất nông nghiệp với lối canh tác tiên tiến và cũng là điều kiện chuẩn bị ra đời một tầng lớp nông dân sớm biết làm quen với tư duy thị trường. Vượt lên những lo toan thường tình, người nông dân Đà Lạt luôn khao khát kiếm tìm tri thức, chinh phục đất đai để tìm cách thu về giá trị lớn nhất…

(CÒN TIẾP)