Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới

AN NHIÊN 06:42, 06/12/2023

Nhờ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, năm 2023, Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra ATTP tại địa phương
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra ATTP tại địa phương

TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND các cấp đã kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn quản lý ATTP theo lĩnh vực được phân công.

Theo phân cấp quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP theo quy định đồng thời, chỉ đạo tuyến dưới thực hiện nghiêm túc công tác quản lý ATTP và Chỉ thị số 17/CT-TTg. Trong năm, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP đã tổ chức giám sát, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các huyện, thành phố theo từng đợt cao điểm.

Trong năm 2023, các ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... Kết quả: Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra 9.564 cơ sở; số cơ sở có vi phạm bị xử lý 566 cơ sở. Hình thức xử lý phạt tiền 566 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Công an Kinh tế kiểm tra phát hiện 83 trường hợp vi phạm về ATTP , xử phạt gần 562 triệu đồng.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 212 người mắc, không có người tử vong. Các ngành đã triển khai kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo nguy cơ về ATTP, đưa sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Cụ thể: Test nhanh 149 mẫu thực phẩm có nguy cơ cao (như bún, bánh, chả, heo quay, mứt...) có 100% mẫu đều đạt. Thực hiện xét nghiệm tại Labo 730 mẫu thực phẩm bao gói sẵn (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi); chè, rau, củ, quả các loại; động vật tươi sống, thủy sản; kết quả có 30 mẫu không đạt (chiếm 4,1%).

Công tác kiểm dịch động vật được tăng cường, trong đó kiểm dịch nhập tỉnh 435 con trâu, bò, 94.160 con lợn và 1,1 triệu con gia cầm để sản xuất. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh: lấy mẫu xác định bệnh, tăng cường giám sát phát hiện bệnh, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh, chết và nuôi cùng ô chuồng nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Phân bổ kịp thời hóa chất và hướng dẫn các địa phương thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh hộ có lợn mắc bệnh. Cấp tờ rơi tuyên truyền bệnh Dịch tả heo châu Phi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng trừ tổng hợp và chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh. 

• ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG SẢN XUẤT, PHÂN PHỐI THỰC PHẨM AN TOÀN 

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định về việc công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực ATTP thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp và thực hiện rà soát trình sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các TTHC thuộc lĩnh vực phụ trách theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới. Hiện tại, có 8 thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP. Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tốt công tác cải cách các TTHC về lĩnh vực ATTP, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các quy trình cấp giấy chứng nhận đều được công khai, niêm yết tại nơi tiếp nhận và trả kết quả, 100% hồ sơ về ATTP đều được xử lý trước và đúng thời hạn theo quy định. Trong năm 2023, các ngành đã tổ chức cấp 681 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Triển khai hệ thống thông tin ATTP bảo đảm đồng bộ, liên thông, kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (Đề án 06) và cập nhật dữ liệu trên hệ thống thông tin về ATTP theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực hiện mở rộng việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử hiện đại trong việc giải quyết các TTHC một cửa và một cửa liên thông tại các Chi cục trực thuộc Sở qua địa chỉ trang thông tin điện tử: https://motcua.lamdong.gov.vn/. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành đơn vị, xử lý công việc, báo cáo trong các cơ quan, đơn vị về công tác đảm bảo ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã, phường tiến hành xử lý trên phần mềm https://egovsct.lamdong.gov.vn; https://egovsyt.lamdong.gov.vn nên việc xử lý văn bản chỉ đạo, thực hiện kế hoạch, báo cáo định kỳ, đột xuất kịp thời và đúng thời gian theo quy định. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện truy xuất nguồn gốc như mã số vạch, mã QR...

Kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị quản lý ATTP thuộc thẩm quyền quản lý. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về ATTP; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP bị xử lý theo quy định. Thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các sở, ngành phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan với cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp về ATTP các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống sản xuất, phân phối thực phẩm an toàn và quản lý chợ ATTP. Hiện nay, diện tích sản xuất theo VietGAP toàn tỉnh là 7.566 ha với tổng sản lượng 473.940 tấn/năm. Diện tích sản xuất hữu cơ đạt 1.415 ha, diện tích cà phê chứng nhận 4C, UTZ… đạt 86.000 ha, sản lượng đạt 265.000 tấn/năm. Kết quả áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi có 4 cơ sở nuôi cá tầm quy mô 140.000 con; 9 trang trại chăn nuôi heo với quy mô 193.850 con; 6 cơ sở chăn nuôi gia cầm 71.500 con; 26 cơ sở chăn nuôi ong với quy mô 5.860 đàn ong. Áp dụng quy trình chăn nuôi tốt theo VietGAP nông hộ có 4 vùng chăn nuôi với 50 tổ hợp tác với 718 hộ, quy mô 67.882 con heo, sản lượng khoảng 14.339 tấn. Chứng nhận Organic khoảng 1.045 con bò sữa tại Trang trại bò sữa Vinamilk Lâm Đồng.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 234 chuỗi liên kết với 31.092 hộ liên kết. Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 52.897 ha với sản lượng 589.261 tấn, trong chăn nuôi đạt 1.054.715 con, sản lượng đạt 163.780 tấn. 

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Chính phủ, công tác bảo đảm ATTP đã được UBND tỉnh, các cấp, các ngành chú trọng, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP. Về cơ bản, các văn bản phân công nhiệm vụ đã cụ thể, rõ ràng cho các cấp, các ngành, UBND thành phố, huyện đến các phường, xã, thị trấn. Nhờ đó, hoàn thành tốt việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh.