Việt Nam phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển ít nhất 10 tiện ích trên các ứng dụng VNeID và có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng với tỉ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID hàng tháng tăng từ 3 - 5%.
Tỉnh Lâm Đồng tích cực hướng dẫn cài đặt định danh điện tử cho người dân |
VNeID là gì? Đó là câu hỏi mà nhiều người dân đang quan tâm trong thời gian gần đây. VNeID là viết tắt của Việt Nam Electronic Identification, tức là định danh điện tử Việt Nam. Đây là một ứng dụng trên thiết bị di động được phát triển bởi Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an Việt Nam, với mục đích thay thế cho giấy tờ truyền thống và cung cấp các tiện ích phục vụ cho công dân số, Chính phủ số, xã hội số.
VNeID được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư và xác thực điện tử, kết nối với các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức xã hội. Với VNeID, người dân có thể sử dụng các giấy tờ cá nhân dạng điện tử thay cho bản giấy, như căn cước công dân gắn chip, giấy phép lái xe, đăng ký xe, Bảo hiểm y tế… Người dân cũng có thể khai báo y tế toàn dân, khai báo di chuyển nội địa, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm, kiến nghị phản ánh… thông qua ứng dụng VNeID một cách nhanh chóng và tiện lợi.
VNeID không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần vào công tác quản lý nhà nước. Với VNeID, các cơ quan chức năng có thể truy xuất thông tin của công dân một cách chính xác và kịp thời, hỗ trợ cho việc thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước. VNeID cũng giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và Nhà nước.
Để sử dụng VNeID, người dân chỉ cần tải ứng dụng từ CH Play hoặc App Store về thiết bị di động của mình. Sau đó, nhập số định danh cá nhân và số điện thoại để đăng ký tài khoản. Tiếp theo, người dân quét mã QR code trên thẻ căn cước công dân gắn chip để kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1 hoặc đến cơ quan công an để kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. Tùy theo mức độ xác thực, người dân có thể sử dụng các chức năng và tiện ích khác nhau trên ứng dụng VNeID.
Người dân sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1/mức 2 thành công, có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến; thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng… sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
Theo Bộ Công an, các tính năng nổi bật như: Ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm… giúp công dân có thể thay thế CCCD gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, Bảo hiểm y tế… Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Đáng chú ý là Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát Giao thông, có hiệu lực thi hành từ 15/9/2023. Thông tư 32 quy định nhiều nội dung mới, nhất là lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ tiến hành kiểm tra giấy đăng ký xe và giấy phép lái xe thông qua tài khoản định danh điện tử. Tại khoản 2, Điều 12, Thông tư 32 nêu: “Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ”.
Hay tại khoản 3, Điều 18, Thông tư 32 có quy định: thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát; đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong tài khoản định danh điện tử theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 12, Thông tư này để kiểm soát. Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó. Còn trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử...
Trong thời gian tới, tài khoản định danh điện tử sẽ trở thành một trong những thứ không thể thiếu của mỗi công dân Việt Nam khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để theo kịp lộ trình chuyển đổi số, bên cạnh sự cố gắng của mỗi công dân để trở thành công dân số, ngành Công an, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm được những tiện ích của việc sử dụng danh tính điện tử, định danh điện tử, cách thức đăng ký, cài đặt…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin