Tổng kết hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo 2023

QUỲNH UYỂN 21:30, 28/12/2023

(LĐ online) - Ngày 28/12, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Lâm Đồng tổ chức tổng kết hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo năm 2023 với sự tham dự của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện các sở, ngành, các đơn vị nghiên cứu, các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng các cán bộ quản lý KHCN.

Quang cảnh hội nghị tổng kết ngành khoa học - công nghệ

Năm 2023, hoạt động quản lý KHCN đã có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: nghiên cứu, ứng dụng KHCN; tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ hạt nhân; quản lý công nghệ; khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo; thanh kiểm tra về KHCN...

Để KHCN đóng góp vào sự thay đổi tích cực của các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương  như nông nghiệp thông minh, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số,... KHCN Lâm Đồng đã tập trung vào công tác nghiên cứu triển khai ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất và đời sống. Đã tổ chức nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng kết quả 3 đề tài, dự án KHCN cấp nhà nước; 1 đề tài cấp tỉnh trong lĩnh vực phòng trừ dịch hại trên diện rộng, liên vùng, liên huyện; sản xuất giống cá nước lạnh, phát triển các mô hình liên kết sản xuất làm cơ sở chuyển giao nhân rộng vào thực tiễn sản xuất; tiếp tục quản lý, triển khai thực hiện 1 đề tài cấp nhà nước và 15 đề tài, dự án cấp tỉnh.

Nhân rộng, chuyển giao kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án đã nghiệm thu thông qua việc tổ chức thực hiện 12 dự án cấp cơ sở và 17 dự án KHCN cấp huyện chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường… góp phần nâng tỷ lệ các đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp được ứng dụng trong thực tiễn lên khoảng 70%; nhiều mô hình sản xuất mới, quy trình công nghệ được chuyển giao nhanh vào thực tiễn sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân.

Để xác định các định hướng nghiên cứu, ứng dụng phù hợp với thực tiễn và xu thế công nghệ hiện nay, ngay từ đầu năm, ngành KHCN đã chủ động làm việc với các viện, trường; các sở, ngành, địa phương, Liên hiệp các Hội KHKT, tổ chức hội thảo khoa học, phản biện xã hội, hội đồng tư vấn đề xuất các nhiệm vụ KHCN cấp thiết. Qua đó, đã đề xuất, phê duyệt 14 đề tài, dự án cấp tỉnh, 11 dự án cấp cơ sở và 20 dự án ứng dụng KHCN cấp huyện để giải quyết các vấn đề cấp thiết của tỉnh về sạt, trượt lở đất, ngập lụt đô thị, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp, mô hình giảm nghèo, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử di sản gắn với phát triển du lịch, mô hình xử lý môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, bảo tồn nguồn gen… Các nhiệm vụ KHCN chuyển dịch theo hướng tăng các dự án ứng dụng chuyển giao KHCN, giảm các đề tài nghiên cứu để đưa nhanh kết quả KHCN vào thực tiễn.

Nhiều ý kiến góp ý hướng nghiên cứu KHCN trong thời gian tới

Quỹ phát triển KHCN tỉnh Lâm Đồng với tổng số vốn điều lệ hiện có là hơn 37 tỷ đồng, đã cho vay ưu đãi 8 dự án với tổng số tiền 17,6 tỷ đồng. Trong năm 2023, có 2/3 dự án đã trả hết nợ gốc và lãi trước hạn, chứng tỏ nguồn vốn được sử dụng đem lại những hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp.

Công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, năng lượng nguyên tử, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Sở đã đánh giá và cho ý kiến về mặt công nghệ, đảm bảo các dự án đầu tư không sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Thị trường KHCN được quan tâm triển khai, bước đầu phát huy vai trò cầu nối, xúc tiến, gắn kết hoạt động nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh, hình thành được mạng lưới trung gian bao gồm 13 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 7 doanh nghiệp KHCN và 32 tổ chức KHCN.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí, đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký xác lập 37 nhãn hiệu cộng đồng, đăng ký bảo hộ độc quyền ở nước ngoài cho 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương (thương hiệu “Rau Đà Lạt” tại thị trường Trung Quốc và Singapore; “Trà B’Lao” tại Trung Quốc và Nhật Bản). Tiếp tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cà phê Lâm Đồng, Sầu riêng Đạ Huoai; nhãn hiệu chứng nhận  Mắc ca Lâm Đồng, Sầu riêng Đam Rông, Hạt điều Đạ Huoai.

Không gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh bên lề hội nghị

Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ cho các các nhân, nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng, dự án của mình. Ngày hội đã thu hút được 41 dự án, ý tưởng khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực chủ yếu như nông nghiệp thông minh; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch; sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thân thiện môi trường… 7 ý tưởng và 10 dự án xuất sắc nhất đã được trao giấy chứng nhận và giải thưởng; 1 dự án  tiếp tục lọt vào top 10 Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2023.

Sở đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân với 1.131 nguồn phóng xạ, 200 thiết bị bức xạ đang sử dụng tại 78 cơ sở và tổ chức sử dụng thiết bị X-Quang chẩn đoán trong y tế, chiếm tỉ lệ hơn 20% số nguồn phóng xạ so với toàn quốc, hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử và phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, đảm bảo an ninh an toàn nguồn phóng xạ; tổ chức thành công diễn tập “Ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ”.

TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ cho các các nhân, nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng, dự án của mình. Ngày hội đã thu hút được 41 dự án, ý tưởng khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực chủ yếu như nông nghiệp thông minh; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch; sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thân thiện môi trường… 7 ý tưởng và 10 dự án xuất sắc nhất đã được trao giấy chứng nhận và giải thưởng; 1 dự án  tiếp tục lọt vào top 10 Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2023.

Với những kết quả, thành tích đạt được nêu trên, năm 2023, Sở KHCN Lâm Đồng được Chính phủ tặng Cờ thi đua, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác cải cách hành chính, công tác dân vận và về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Khen thưởng các tập thể xuất sắc trong hoạt động phổ biến, thực hiện các nhiệm vụ KHCN

Phát biểu chỉ đạo, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương những thành quả mà ngành KHCN Lâm Đồng đạt được trong năm qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý hướng nghiên cứu cho các nhà khoa học, các cơ sở viện, trường: Trong năm 2024, KHCN phải tạo ra bước đột phá lớn, nâng cao vị thế KHCN. Cần tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu về nông nghiệp lớn hơn, tập trung nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tái sinh thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Nghiên các giải pháp công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp thông minh, nghiên cứu nguồn gen, dược liệu, công nghệ sinh học.

Khen thưởng các cá nhân tích cực hoạt động phổ biến, thực hiện các nhiệm vụ KHCN

Với chủ trương giảm dần nhà kính, trả lại mảng xanh cho Đà Lạt, đảm bảo cân bằng sinh thái; cần tập trung nghiên cứu các giống rau, hoa để trồng trên đất không cần nhà kính vẫn đảm bảo giá trị thu nhập trên diện tích đất. Phối hợp đặt hàng với Viện nghiên cứu hạt nhân tạo ra giống hoa đột biến có khả năng sinh trưởng dài bền hơn, hoa đẹp hơn, cánh dày hơn, giảm dần việc nhập giống từ nước ngoài. Tích hợp nguồn gen, nhân giống dược liệu dưới tán rừng. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ tập trung 3 loại dược liệu: Atiso, đẳng sâm, đương quy; muốn phát triển phải có chế biến, muốn chế biến phải có vùng dược liệu lớn. Cần nghiên cứu loài dược liệu trồng một lần thu hoạch nhiều năm, trồng một năm thu hoạch nhiều lần, sản lượng tính bằng chục tấn. Nhân các giống cây cảnh bản làm đẹp cảnh quan đô thị, phục vụ đô thị Đà Lạt mở rộng trong tương lai, đặc biệt là giống trà my cam. Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp về vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ Phát triển KHCN, tạo điều kiện, môi trường tốt cho các doanh nghiệp phát triển, kinh doanh hiệu quả.

Nhân dịp này, Sở KHCN Lâm Đồng đã khen thưởng 6 tập thể, 4 cá nhân tích cực trong hoạt động phổ biến, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp huyện.