Theo Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, 50% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung và ứng dụng AI để tối ưu hoạt động. Tỷ lệ này đến năm 2030 lần lượt là 100% và 90%. Đây có thể coi là bước tiến quan trọng, mở ra thời kỳ chuyển đổi số báo chí mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Các nhà báo tham gia tập huấn Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo tác phẩm báo chí tại TP Đà Lạt. Ảnh: Hồng Thắm |
Sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo AI đang tác động sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Báo chí với sứ mệnh thông tin nhạy bén, đi đầu cũng không đứng ngoài sự tác động này. Trí tuệ nhân tạo đang được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn diện ngành Báo chí, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tăng tốc độ và hiệu quả trong việc truyền tải thông tin. AI tự động hóa các tác vụ thông thường, thu thập, phân tích nhanh chóng dữ liệu, phản hồi từ độc giả. Đồng thời, hỗ trợ quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung giúp gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài... Qua đó, các nhà báo có thể áp dụng vào nghiên cứu các tin, bài sâu và mang lại nội dung chất lượng hơn. Với nhiều cơ hội mới mà AI mở ra cho hoạt động báo chí, nhiều tòa soạn đang dần áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ việc sản xuất nội dung, thiết kế, phát hành tin, bài thông qua việc cá nhân hóa, tìm hiểu nhu cầu bạn đọc. Từ đó từng bước làm thay đổi trải nghiệm người dùng về cả nội dung và hình thức phân phối thông tin.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: Có nhiều cách khác nhau để áp dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ báo chí như tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ. Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.
Các chức năng được AI hỗ trợ phổ biến có thể kể đến như: Phát hiện tự động các chủ đề đang được quan tâm và thông báo cho nhà báo; tự động quét website và tải dữ liệu về thiết bị cá nhân; Khai thác thông tin từ các trang mạng xã hội; Tạo dựng kho dữ liệu từ báo giấy đã xuất bản bằng phần mềm chuyển từ hình ảnh sang văn bản (OCR); Tìm kiếm, khai thác nội dung sẵn có trong kho dữ liệu; Tìm và kiểm tra nội dung, xác định trùng lặp; Nhận dạng từ hình ảnh.
Các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các phần mềm AI có thể tạo ra một lượng tài nguyên khổng lồ bao gồm chữ, hình ảnh và video một cách cực kỳ nhanh chóng. Không thể phủ nhận, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ báo chí theo cách thức chưa từng có. Nó không chỉ giúp tăng tốc độ sản xuất nội dung, cải thiện chất lượng mà còn giúp nhà báo giảm thiểu thời gian, chi phí và sức lao động. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong báo chí cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý cần được giải quyết. Các nội dung báo chí do AI tạo ra không có sự tham gia của con người, dẫn đến việc có thể có lỗi trong thông tin hoặc các thông tin sai lệch, giả mạo, xuyên tạc. Mặt khác, thông qua các ứng dụng AI như ChatGPT, một người bình thường không cần có chuyên môn, nghiệp vụ báo chí cũng có thể tạo ra vô số bản tin giả với tốc độ lan truyền khủng khiếp chỉ với những câu lệnh rất đơn giản.
Theo ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông, trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe dọa an ninh truyền thông, nguy cơ vi phạm bản quyền tác giả và cả các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động... là những thách thức lớn hiện nay. Do đó, các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số cần tập trung các ứng dụng này trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, trong đó chú trọng an toàn và an ninh thông tin.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin