(LĐ online) - Sáng 8/12, Đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam do bà Đào Mai Hoa - Phó Ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng về hoạt động ủy thác Ngân hành Chính sách xã hội (CSXH), hoạt động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ tỉnh Lâm Đồng.
Chủ trì buổi làm việc |
Cùng tham gia, chủ trì buổi làm việc có ông Đặng Đức Thắng - Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo, Ngân hàng CSXH và ông Lương Quốc Toàn - Phó Trưởng ban Khách hàng cá nhân Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã triển khai có hiệu quả hoạt động ủy thác tín dụng chính sách với Ngân hàng CSXH về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động phối hợp với NN&PTNT Lâm Đồng. Hoạt động ủy thác được triển khai đến 12/12 huyện, thành phố và 142 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tính đến ngày 30/11/2023, tỷ trọng dư nợ của Hội LHPN so với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chiếm 36,5%; số hộ vay còn dư nợ trên 36,616 hộ/871 tổ, nợ quá hạn 1,416 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,07%. Số dư tiết kiệm hơn 137 tỷ đồng/36.178 hộ tham gia (đạt 98,8 %); 871/871 tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tham gia (đạt 100%), số dư tiết kiệm bình quân 3,7 triệu đồng/hộ, tỷ lệ tiết kiệm 6.88 %/tổng dư nợ. Các đối tượng vay vốn được hướng dẫn sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.
Đại diện Ngân hàng NN&PTNT Lâm Đồng trao đổi về hoạt động phối hợp với Hội LHPN tỉnh |
Các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh quản lý 871 Tổ TK&VV, trong đó Tổ xếp loại tốt 846/871 tổ, chiếm tỷ lệ 97.13%, khá 17/871 tổ, chiếm tỷ lệ 1.95%; trung bình 8/871 tổ, chiếm tỷ lệ 0,92%; không có tổ xếp loại yếu. Năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã kiểm tra 12 lượt Hội cấp huyện, 24 Hội cấp xã, 55 tổ TK&VV, 132 lượt hộ vay; Hội LHPN cấp huyện kiểm tra 167 lượt xã, 416 lượt tổ TK&VV, 1.525 lượt hộ vay; Hội LHPN cấp xã, phường, thị trấn kiểm tra 1.360 lượt tổ TK&VV, 30.965 lượt hộ vay định kỳ, 9.311 lượt hộ vay trong vòng 30 ngày sau giải ngân (tỷ lệ 100%).
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tỉnh trong việc ủy thác cho vay, phối hợp đôn đốc, thu hồi nợ vay. Hàng năm, các cấp Hội thực hiện tốt công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý ủy thác và tổ trưởng tổ TK&VV.
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao đổi tại hội nghị |
Tổng dư nợ cho vay qua tổ của Ngân hàng NN&PTNT đến 30/11/2023 trên 557 tỷ đồng/144 tổ/3.173 thành viên tại các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương, Lộc Phát - Bảo Lộc, Đam Rông, Di Linh, Đạ Tẻh, Bảo Lâm. Việc sử dụng phí ủy thác của các cơ sở Hội đều đảm bảo theo quy định.
Về hoạt động tiết kiệm tại chi, tổ Hội, 11/12 huyện, thành phố; 107/142 xã, phường, thị trấn; 699/1.369 chi hội có mô hình tiết kiệm tự quản. Có 6/12 huyện có hình thức tiết kiệm tại tổ xoay vòng.
Thành viên đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao đổi tại hội nghị |
Thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025”, từ 2018 đến nay các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh có 417 ý tưởng/dự án dự thi khởi nghiệp cấp tỉnh, giới thiệu 34 dự án/ý tưởng dự thi khởi nghiệp cấp Trung ương, có 7 ý tưởng/dự án đạt giải cao cấp Trung ương. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia kinh tế tập thể, HTX, THT và tạo việc làm cho lao động nữ được các cấp Hội tích cực triển khai.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua mô hình tổ/nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 (thuộc dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I 2021 – 2025), các cấp Hội triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua các hoạt động giúp nhau về tiền, ngày công, cây con giống; vận động hội viên tham xây dựng các mô hình tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn, tổ quay vòng vốn tại các chi, tổ Hội để giúp cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong phát triển kinh tế tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống; hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn vốn tiết kiệm, các cấp Hội đã giúp 1.206 phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi hoặc vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc |
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận để nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác tín dụng chính sách xã hội, hoạt động phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT và hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Đồng thời đưa ra các giải pháp để giảm tỷ lệ dư nợ quá hạn; hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, nhất là trong vùng DTTS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 cho các mô hình tổ/nhóm sinh kế, HTX, THT do phụ nữ làm chủ; nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý ủy thác và tổ trưởng Tổ TK&VV…
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cấp Hội Phụ nữ trong tuyên truyền, vận động, tích cực nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống hội viên, phụ nữ để có giải pháp hỗ trợ kịp thời đảm bảo hội viên, phụ nữ được tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả, bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin