Từng bước xây dựng chính quyền điện tử

VIẾT TRỌNG  08:12, 30/12/2023

Đến nay, Đà Lạt đã có những bước tiến lớn trong xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số trên địa bàn. 

Vận hành Trung tâm Điều hành thông minh tại TP Đà Lạt
Vận hành Trung tâm Điều hành thông minh tại TP Đà Lạt

 

* TĂNG KẾT NỐI 
Trong năm 2023, bên cạnh duy trì hệ thống phòng họp trực tuyến đã được đầu tư những năm gần đây, Đà Lạt đã tiếp tục đầu tư thêm 2 hệ thống phòng họp trực tuyến mới, nâng tổng số phòng họp trực tuyến trên địa bàn thành phố lên 21 điểm cầu.
Thành phố cũng chỉ đạo các phường, xã lắp đặt thêm 1 đường truyền phục vụ riêng tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận Một cửa) của UBND các phường, xã của mình, không sử dụng chung đường truyền của đơn vị để đưa tốc độ xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) người dân lên nhanh hơn.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước gắn với triển khai Đề án Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025, thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng các phần mềm dùng chung trong cán bộ, công chức thành phố như Hộp thư điện tử công vụ, Đà Lạt trực tuyến, Văn phòng điện tử; sử dụng chữ ký số của Ban cơ yếu Chính phủ cấp ký số 2 lớp theo hướng dẫn của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng. Thành phố cũng nhắc nhở việc duy trì sử dụng hệ thống SMS Brandname trong công tác quảng bá; nhắc việc tác nghiệp trên hệ thống văn phòng điện tử nhằm hạn chế chậm trễ trong giải quyết hồ sơ một cửa điện tử và Văn phòng điện tử.
Trong năm, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo Công an thành phố, các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã thực hiện tốt việc định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06/CP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký xác thực điện tử tại địa bàn khu dân cư, lồng ghép tuyên truyền 25 dịch vụ công thiết yếu và 2 dịch vụ công liên thông thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng; triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử đồng bộ từ thành phố đến các phường, xã.
Nhiều ứng dụng dùng chung trên địa bàn cũng được hoàn thiện trong năm 2023 như Du lịch Đà Lat, Đà Lạt trực tuyến, Quy hoạch phát triển đô thị, Biển số nhà, Quản lý bảo vệ rừng, Văn phòng điện tử, SMS Brandname.
Thành phố cũng tiếp tục duy trì việc tiếp nhận và giải quyết TTHC một phần và toàn trình trên hệ thống một cửa điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://dichvucong.lamdong.gov.vn; vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình khi cá nhân, tổ chức giải quyết hồ sơ.
Bên cạnh việc vận động người dân cài đặt tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thành phố chỉ đạo các phường, xã hướng dẫn, đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia cho công dân khi đến liên hệ giải quyết TTHC. Nhờ sự tích cực vận động này, trong năm 2023, tỷ lệ sử dụng, thanh toán trực tuyến số hóa hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến của Đà Lạt đã có những kết quả tích cực. Tính từ ngày 7/12/2022 - cho đến ngày 4/12/2023), toàn thành phố tiếp nhận 67.423/87.582 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 76,98%, trong đó tại UBND thành phố có 7.049/15.686 hồ sơ; tại các phường, xã có 60.329/71.714 hồ sơ; vượt tỷ lệ quy định của tỉnh. 

Đà Lạt đang thúc đẩy hoàn thành các hạng mục xây dựng thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử phục vụ Nhân dân.

* PHỤC VỤ DÂN
TP Đà Lạt cho đến nay luôn tích cực vận động người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, thông qua đó nắm bắt được các vấn đề do dân và du khách phản ánh, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trên các lĩnh vực cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý.
Các đơn vị chức năng thành phố thường xuyên cập nhật các thông tin chỉ đạo, điều hành, thông báo tuyển dụng, việc làm, tin, bài viết về các hoạt động diễn ra trên địa bàn thành phố một cách đầy đủ, kịp thời trên Trang thông tin điện tử TP Đà Lạt và trên ứng dụng Đà Lạt trực tuyến để người dân tìm hiểu, thực hiện khi có nhu cầu.

Người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng lên tại Đà Lạt
Người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng lên tại Đà Lạt


Cùng với đó, UBND TP Đà Lạt trong năm cũng cho rà soát, nâng cấp một số chức năng của các ứng dụng thành phố thông minh được đầu tư lâu nay (nhiều hạng mục được thành phố đầu tư trong các lĩnh vực như Hạ tầng thông minh, Y tế thông minh, Giáo dục thông minh, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh, Môi trường thông minh, Giao thông thông minh…); đôn đốc các đơn vị triển khai các hạng mục đã đăng ký thực hiện.
Thành phố hiện đang thực hiện tốt việc tích hợp thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Trung tâm Điều hành thông minh (Trung tâm IOC) Đà Lạt mới được nâng cấp trong năm nay, trong đó có việc khai thác hiệu quả hệ thống camera tầm cao, đảm bảo tính chính xác, minh bạch của các số liệu nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác điều hành của UBND thành phố.
Theo đánh giá của UBND TP Đà Lạt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy hoàn thành các hạng mục xây dựng thành phố thông minh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình trong giải quyết hồ sơ TTHC… đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả công việc của các phòng, ban, đơn vị, các phường, xã trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của thành phố, góp phần từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử phục vụ dân.
Trong năm 2024, lãnh đạo TP Đà Lạt cho biết sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quy định tại Đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018 - 2025; tích cực triển khai thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. 
Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, khai thác hiệu quả hệ thống quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, email công vụ, chữ ký số và các ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ TTHC, hướng đến một nền hành chính hiện đại và phục vụ người dân.