Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính

DIỄM THƯƠNG 11:44, 26/01/2024

(LĐ online) - Ngày 26/1, UBND tỉnh có chỉ đạo tăng cường công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng văn bản điện tử để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển đối số trong thực hiện thủ tục hành chính
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, đa số các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng văn bản điện tử và liên thông, tích hợp dữ liệu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thực tế và phản ánh của người dân thì việc giải quyết đối với một số thủ tục hành chính tại đơn vị cấp xã hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như: hệ thống bốc số thứ tự đã được trang bị nhưng vị trí chưa hợp lý, khó thấy và thậm chí ngưng không hoạt động; chưa phân công trách nhiệm rõ ràng đối với công chức làm nhiệm vụ trực và hướng dẫn người dân tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ; một số công chức cấp xã chưa cập nhật kịp thời các quy định mới, còn yêu cầu người dân cung cấp hồ sơ ngoài quy định; hẹn người dân đi lại rất nhiều lần mới có người tiếp nhận hồ sơ…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan: Tiếp tục tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ban hành kèm theo Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 10/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng thời, UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên; kịp thời xử lý nghiêm đối với trường hợp cán bộ, công chức có thái độ ứng xử chưa đúng mực, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; đặc biệt là chấp nhận văn bản điện tử đã được ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư.

Chỉ đạo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính chịu trách nhiệm về việc phân công, theo dõi, kiểm tra, thường xuyên giám sát quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị mình (đảm bảo trong giờ hành chính phải có công chức tiếp nhận hồ sơ khi người dân đến nộp, không hẹn sang ngày, giờ khác). Sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả các trang thiết bị, phần mềm ứng dụng đã đầu tư, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng, tránh gây lãnh phí ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.