Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập

VIỆT HÙNG 06:25, 30/01/2024

Thời gian qua, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc học tập thường xuyên trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, xây dựng xã hội học tập (XHHT).

Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT
góp phần tạo môi trường học tập rộng khắp
Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT góp phần tạo môi trường học tập rộng khắp

Qua 2 năm thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021- 2030” theo Quyết định số 387/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả các mô hình học tập như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Qua đó, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân hưởng ứng thực hiện, góp phần tạo môi trường học tập rộng khắp.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng - cơ quan thường trực, chủ trì hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xây dựng XHHT, để thực hiện hiệu quả xây dựng các mô hình học tập, Sở GDĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về các chỉ thị, quyết định của Trung ương, của tỉnh liên quan đến việc triển khai các mô hình học tập, đồng thời, hướng dẫn tiếp tục thực hiện các mô hình học tập trên địa bàn. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội Khuyến học trong toàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, đơn vị liên quan bình xét, đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” gắn với bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” và thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh xây dựng Mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Qua xây dựng “Cộng đồng học tập”, nhận thức và kiến thức của người dân được nâng cao, từ đó góp phần không nhỏ vào việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Nhiều thôn, xóm, khu phố đã có những cách làm hay góp phần xây dựng “Cộng đồng học tập” tại địa phương như Đà Lạt, Đạ Huoai, Di Linh... Triển khai thực hiện xây dựng Mô hình “Đơn vị học tập”, nhiều đơn vị có chế độ hỗ trợ kinh phí, khen thưởng và tạo điều kiện cho việc học tập nâng cao trình độ của thành viên trong đơn vị. Các Chi hội Khuyến học đã thực hiện xây dựng Quỹ Khuyến học hỗ trợ cho việc khen thưởng các thành viên, con em trong đơn vị có thành tích học tập tốt và tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Đến nay, toàn tỉnh có 277.286/324.761 “Gia đình học tập”, chiếm tỷ lệ 85,38%; 268/510 “Dòng học học tập”, chiếm tỷ lệ 52,55%; 1.295/1.367 “Cộng đồng học tập”, chiếm tỷ lệ 94,73%; 857/954 “Đơn vị học tập”, tỷ lệ 89,83%. Số lượng gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình học tập”, dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập”; cộng đồng đăng ký “Cộng đồng học tập”, đơn vị đăng ký “Đơn vị học tập” ngày càng tăng. 

Cùng với xây dựng các mô hình học tập, Hội Khuyến học tỉnh đã tập huấn triển khai xây dựng Mô hình “Công dân học tập” cho những đối tượng trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau, phù hợp với trình độ học vấn và đặc điểm nghề nghiệp. Qua đó khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 221.053/519.876 người đăng ký “Công dân học tập”, phần mềm đánh giá công dân học tập có 45.000 lượt công dân đăng nhập. 

Bên cạnh việc triển khai các mô hình học tập, Lâm Đồng là 1 trong 7 tỉnh trên toàn quốc được Bộ GDĐT chọn triển khai thí điểm xây dựng huyện/thành phố học tập. Việc thí điểm được tổ chức ở 12/12 huyện, thành phố, góp phần vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng một nền giáo dục mở thực học; động viên, khuyến khích xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở, tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần xây dựng XHHT.