Độc đáo nghệ thuật chế tác tò he

LÊ TRỌNG 06:34, 25/01/2024

Trong những “Ngày Hà Nội tại Lâm Đồng”, do UBND TP Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển có một không gian văn hoá làng nghề khá ấn tượng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người - đó là không gian tò he của nghệ nhân Thuý Miền, một người con của làng nghề tò he Xuân La (Hà Nội) - một làng nghề tò he nổi tiếng và duy nhất ở Việt Nam. 

Nghệ nhân Thúy Miền trình diễn 
nghệ thuật nặn tò he
Nghệ nhân Thúy Miền trình diễn nghệ thuật nặn tò he

 

Cuối tháng 12/2023, nhân dịp UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với tổ chức “Ngày Hà Nội tại Lâm Đồng”, tôi may mắn được gặp gỡ nghệ nhân tò he Nguyễn Thuý Miền - một người con dâu của làng nghề tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đã gắn bó với nghề nặn tò he suốt hơn 20 năm nay. Tại đây, tôi được người con dâu của làng nghề sẻ chia về cơ duyên chị đến với nghề, cũng như những “ngón nghề” đã được các thế hệ đi trước trao truyền khi chị chập chững bắt tay vào công việc nặn, tạo hình và chế tác những tác phẩm tò he từ những thập niên trước. Nghệ nhân Thúy Miền tâm sự: “Trước khi về làm dâu bên nhà chồng, thú thật tôi chỉ đam mê yêu thích chứ chưa biết gì nhiều về nghệ thuật nặn tò he. Nhưng sau khi được gia đình chồng chỉ bảo và truyền dạy, tôi đã nặn được tò he và đến nay không chỉ riêng tôi mà các con của tôi cũng biết làm tò he để tiếp nối tổ nghiệp, nghề truyền thống của gia đình”…

Theo nghệ nhân Thúy Miền, bình quân thời gian để hoàn tất một tác phẩm tò he chỉ dao động từ 5 - 7 phút. Riêng trong số 12 con giáp thì việc nặn, chế tác hoàn tất một con rồng là mất nhiều thời gian nhất, từ 10 - 15 phút. Mỗi tác phẩm tò he được bán với giá rất “khiêm tốn” chỉ 20.000 đồng và còn tuỳ thuộc vào sự hảo tâm của khách. Nếu xét về mặt kinh tế thì nghệ nhân làm tò he rất khó có thể kiếm sống bằng nghề. Qua tìm hiểu được biết, để tạo tác nên một tác phẩm tò he “có hồn” và mang tính thẩm mỹ cao, bên cạnh niềm đam mê, tài năng thiên phú, đòi hỏi nghệ nhân phải có trí tưởng tượng phong phú và phải bắt kịp xu hướng của giới trẻ; phải kiên trì, tỉ mỉ, toàn tâm toàn ý và phải chịu khó học hỏi, nhất là về nghệ thuật tạo hình để có được một tác phẩm tò he đẹp. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng và quyết định đến chất lượng của tác phẩm tò he làm ra. Đặc biệt, nếu thời tiết không ổn định hoặc quá lạnh sẽ không thể nặn, chế tác được một tác phẩm tò he như ý.

Mỗi tác phẩm tò he là một công trình sáng tạo nghệ thuật khá điêu luyện, tinh xảo và độc đáo mà không phải ai cũng có thể tạo tác được! Chỉ có những nghệ nhân lành nghề ở làng nghề tò he Xuân La - làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam mới cho ra đời những tác phẩm giàu sức sống và giàu hàm lượng văn hoá dân gian đến như vậy. Là một trong những hoạ sĩ có tên tuổi trong giới mỹ thuật Lâm Đồng, khi được tận mắt xem nghệ nhân làng nghề Xuân La biểu diễn nghệ thuật nặn tò he như “xiếc”, hoạ sĩ Nguyễn Văn Lại - Chi hội Mỹ thuật - Hội VHTN Lâm Đồng xuýt xoa: “Tò he là một loại hình truyền thống mà tôi rất thích và đam mê từ nhỏ. Thật may mắn khi được gặp nghệ nhân làng nghề tò he nổi tiếng tại phố núi Đà Lạt. Nghệ thuật “bắt” tò he rất đẹp, tạo hình rất độc đáo. Nếu không phải là nghệ nhân của làng nghề thì không thể làm được những tác phẩm tò he lấp lánh màu sắc và sinh động đến thế!”.

Mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng vùng, miền đều hội tụ những nét tinh hoa, độc đáo và lấp lánh dấu ấn văn hoá rất riêng. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của các nghệ nhân, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đến “trình làng” trong những “Ngày Hà Nội tại Lâm Đồng” khá bắt mắt, thấm đẫm phong cách Việt, tâm hồn Việt. Đặc biệt, với nghệ thuật làm tò he đạt đến trình độ điêu luyện và tinh xảo, nghệ nhân Thúy Miền đã biến những viên bột gạo và những viên đất sét dẻo thành những con vật, những hình tượng trông rất đáng yêu với nghệ thuật tạo hình ấn tượng và rất khó bắt chước. Mặc dù khó có thể kiếm sống bằng nghề và nghề truyền thống nặn, tạo tác tò he đang có nguy cơ bị mai một dần. Thế nhưng, điều đáng quý đó là các nghệ nhân vẫn luôn gắn bó với nghề như một thú vui tao nhã, cốt là để gìn giữ nghề truyền thống của ông cha, của làng nghề như những mạch nguồn cấu thành văn hoá dân gian Việt Nam. Mạch nguồn văn hoá ấy cần được “tiếp lửa” và trao truyền. “Đa số các bé đều rất thích tò he. Thế nhưng có một số phụ huynh lại không muốn mua cho con. Nếu như được tất cả phụ huynh quan tâm và mua tò he cho các con - điều đó cũng có nghĩa là đã phần nào giúp các nghệ nhân nâng cao giá trị văn hoá và bảo tồn được làng nghề…”, nghệ nhân Thúy Miền thật lòng chia sẻ.