Trong xu thế chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ và nền tảng mạng xã hội quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật đã và đang được đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng quan tâm nên việc phổ biến, giới thiệu tác phẩm không còn bó hẹp thông qua các triển lãm, liên hoan, ngày hội, lễ kỷ niệm…
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp tích cực đưa tác phẩm đến công chúng bằng nhiều hoạt động thiết thực |
Lao động sáng tạo nên tác phẩm văn học - nghệ thuật là niềm đam mê và là nhu cầu tự thân thôi thúc của mỗi văn nghệ sĩ. Tác phẩm ra đời được truyền tới công chúng, được nhiều người thưởng lãm, đó cũng là chất xúc tác để người nghệ sĩ được sống với nghề, sống với đam mê.
Để tác phẩm của mình bay cao, vươn xa, được nhiều công chúng biết đến, các văn nghệ sĩ đã chủ động, sáng tạo, tự giới thiệu tác phẩm trên các trang thông tin cá nhân, mạng xã hội. Nhiều người như nhà sáng tạo nội dung, mỗi tác phẩm của họ được đăng tải, mỗi nội dung họ đưa lên sóng được công chúng mong chờ, đón nhận, chia sẻ, tương tác.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp là nghệ sĩ lao động cần mẫn với nhiều hoạt động sáng tạo. Những tác phẩm ông mới sáng tác, những câu chuyện làm nghề, những chuyến đi thực tế của ông, những buổi giao lưu nói chuyện mỹ thuật với sinh viên các trường đại học, những người phụ nữ ông gặp trên mọi miền đất nước đi vào tranh ông, và tác phẩm ra đời được ông miệt mài đưa lên facebook và nhận được lượng tương tác lớn từ công chúng. Tích cực quảng bá tác phẩm của mình, mỗi tác phẩm mới của họa sĩ Vi Quốc Hiệp đều nhanh chóng đến với công chúng. Công chúng có dịp thưởng thức những mảng màu tươi đẹp, rực rỡ của ông qua từng góc cạnh biệt thự cổ trong mỗi mùa, mỗi thời khắc Đà Lạt, như được truyền cảm hứng theo từng bước chân, từng tác phẩm của ông.
Theo dõi facebook, zalo của các nhà thơ Lâm Đồng, công chúng cũng được trải nghiệm với đủ cung bậc cảm xúc, những tứ thơ hay, những ý thơ giàu cảm xúc. Tôi vẫn thường đọc thơ Hoàng Sơn Lâm, Huỳnh Túy Tâm, Nguyễn Mậu Pháp, Lê Hiếu trên zalo. Lâu không thấy thì có ý đợi… đọc những vần thơ “vừa ra lò” như một cách để thưởng lãm, thư thái, như dành một khoảng thời gian trong ngày để lặng ngẫm cuộc sống.
Cũng qua facebook, công chúng có cơ hội được nghe đi nghe lại những bản nhạc hay của nhạc sĩ, NSƯT Đình Nghĩ được viết nên bằng cả tình yêu ông dành cho Đà Lạt như Say trăng, Hoa Lang Biang, Trở về đồi cỏ cháy, Lặng sầu điệu Yalyao. Điệu ru mặt trời, Em nghiêng phía anh… Mong chờ những status mới của người nhạc sĩ tài hoa đăng trên trang cá nhân của mình để thưởng lãm những bản nhạc sâu lắng, trữ tình trong một chiều Đà Lạt trời rất xanh và nắng rất vàng cũng là một cái thú.
Với niềm đam mê sáng tạo, nhiều văn nghệ sĩ Lâm Đồng vừa sáng tác, vừa chủ động quảng bá, giới thiệu với công chúng những tác phẩm mới. Những nỗ lực tự thân đó đã góp phần lan tỏa, đưa tác phẩm văn học - nghệ thuật đến với công chúng nhanh hơn, rộng hơn, vượt không gian, thời gian, công chúng có thể thưởng lãm tác phẩm mọi lúc, mọi nơi, tạo nên sức sống cho tác phẩm. Nhiều tác phẩm thơ ca, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh được công bố trên các nền tảng số đã thu hút nhiều lượt công chúng tương tác. Mỗi tương tác like, thả tim, lời bình luận, chia sẻ của công chúng như lời động viên khích lệ, tiếp thêm động lực cho văn nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo tác phẩm. Qua đó tạo cơ hội cho công chúng được tiếp cận thưởng thức nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu đạt.
Toàn hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Lâm Đồng hiện có 262 hội viên thuộc 7 chuyên ngành. Những năm qua, Hội VHNT tỉnh luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng. Hội thường xuyên tổ chức giới thiệu, phổ biến, quảng bá tác phẩm VHNT do các văn nghệ sĩ sáng tác, phục vụ nhu cầu của công chúng thông qua các hoạt động: Liên hoan, trưng bày, triển lãm, giới thiệu tác giả, tác phẩm; hoạt động giao lưu; phát hành các ấn phẩm; tích cực phối hợp tham gia cùng các cơ quan chức năng tổ chức, sáng tác, dàn dựng, tham gia biểu diễn hàng trăm tác phẩm trong các chương trình phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội...
Hội đã có nhiều hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm, đưa tác phẩm đến công chúng nhân các sự kiện như Ngày thơ Việt Nam, Ngày nhiếp ảnh, Ngày âm nhạc, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tạp chí Lang Bian của Hội không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, dày 100 trang, ra định kỳ hàng tháng đăng tải nhiều tác phẩm có giá trị của đội ngũ văn nghệ sĩ. Từ nguồn quỹ hỗ trợ xuất bản, công bố tác phẩm hạn chế, mỗi năm, Hội VHNT Lâm Đồng chỉ hỗ trợ đưa đến công chúng 10 tác phẩm. Cụ thể, năm 2023, Hội đã hỗ trợ xuất bản 4 tập thơ, 4 tập văn xuôi, 1 DVD âm nhạc, 1 triển lãm mỹ thuật.
Trong thời gian tới, Hội VHNT tỉnh tiếp tục tổ chức đa dạng hình thức, tăng cường các hoạt động quảng bá, trưng bày, triển lãm để phổ biến rộng rãi tác phẩm đến công chúng. Cùng với hành trình sáng tạo bền bỉ, việc đa dạng hóa hình thức quảng bá, chú trọng phổ biến tác phẩm VHNT trên nền tảng số, mở rộng không gian trưng bày giới thiệu tác phẩm đến đông đảo công chúng của các văn nghệ sĩ cần tiếp tục được khuyến khích, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin