Hiệu quả thực tiễn khi triển khai Đề án 06 ở Đức Trọng

NHẬT MINH 00:29, 29/01/2024

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 06 ngày 6/1/2022 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác nhận điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), huyện Đức Trọng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án này trên địa bàn. Hiện, người dân trên địa bàn huyện Đức Trọng đã được thụ hưởng những lợi ích từ đề án này đem lại.

Công an xã Hiệp Thạnh làm CCCD cho người dân trên địa bàn
Công an xã Hiệp Thạnh làm CCCD cho người dân trên địa bàn

Đề án 06 của Chính phủ được triển khai với mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, tức mọi thủ tục hành chính, giao dịch tài chính được cải cách, đơn giản hóa và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ Nhân dân. Theo UBND huyện Đức Trọng, triển khai thực hiện đề án này, trong năm 2023, địa phương đã đạt được một số kết quả quan trọng như: 100% các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn Liên Nghĩa đã đồng loạt triển khai số hóa hồ sơ đầu vào và thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp với số lượng giải quyết đạt 61,73%. Đặc biệt, triển khai chứng thực bản sao điện tử đạt 7.840 hồ sơ, tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 24,20%; số lượng tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: 223.050 hồ sơ; 100% các xã, thị trấn đã thực hiện quy trình cấp bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính, tạo lập tài khoản người dùng trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Trong năm 2023, tổng số hồ sơ thu nhận là 88.738 hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn 78.245, đúng hạn 9.341 hồ sơ đạt tỷ lệ 98,7%, quá hạn 308 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 1,3% số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt tỷ lệ 67%. Thực hiện thanh toán trực tuyến đạt 17.739 hồ sơ/21 thủ tục hành chính phát sinh, đạt 32,97%; đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của tỉnh giao (30% ). Đồng thời, trong năm, toàn huyện đã cấp được 241 cá nhân và 95 tập thể chữ ký số chuyên dùng để phục vụ quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị.

Đối với Công an huyện, trong năm vừa qua đã hoàn thành 11/11 dịch vụ và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày, một số thông tin cá nhân của công dân được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như: Thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe... góp phần triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ phần mềm VNeID. 

Một lĩnh vực hết sức quan trọng được người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đó chính là việc thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, đã có một số phòng, ban, đơn vị chi trả chế độ phụ cấp không sử dụng tiền mặt, cụ thể như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; một số xã, thị trấn tích cực vận động người dân không dùng tiền mặt trong thanh toán lệ phí giải quyết các thủ tục hành chính và các giao dịch thông thường, góp phần tiết kiệm thời gian cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp, tiêu biểu có thể kể đến một số địa phương như thị trấn Liên Nghĩa, xã Ninh Gia, xã Đà Loan...

Theo UBND huyện Đức Trọng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án 06, vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chưa có kế hoạch cụ thể hóa nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai Đề án 06 theo chức năng của mình nên việc thực hiện chưa mang lại hiệu quả cao, chưa có lộ trình hoàn thành từ công tác hướng dẫn đến tiến độ triển khai một số nhiệm vụ.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn thấp, người dân vẫn chủ yếu nộp hồ sơ thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp, nhất là trong lĩnh vực cư trú. Việc triển khai số hóa hồ sơ tài liệu dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm và có nhiều khó khăn, vướng mắc về hạ tầng thiết bị, nhân lực nhất là cấp xã, thị trấn. Trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, các địa phương còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác chuyển đổi số, đặc biệt là hệ thống máy tính, máy in, máy scan, mạng internet...

Để triển khai hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới, huyện Đức Trọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công chức hiểu thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ từ cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố về quy trình thực hiện chuyển đổi số, cách thức nộp hồ sơ thủ tục hành chính một số lĩnh vực trực tuyến tại nhà. Mặt khác, chủ động nghiên cứu hoàn thiện và triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Tăng cường ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, trong đó tập trung hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp với tài khoản định danh điện tử. Đồng thời, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác chuyển đổi số, đặc biệt là nguồn lực về kinh phí và con người nhằm kịp thời đáp ứng các yêu cầu của đề án...