Khép lại Covid-19, hướng tới tương lai

AN NHIÊN 18:09, 01/01/2024

Tháng 11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các quy định về công bố hết dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.    

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khen thưởng các điển hình xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khen thưởng các điển hình xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19

* CÒN SỐNG LÀ CÒN NHỚ ĐẾN ĐẠI DỊCH COVID-19
Cuối tháng 10/2023, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Thủ tướng xúc động chia sẻ: “Đối với tôi còn sống là còn nhớ đến đại dịch COVID-19, quá kinh khủng. Trong tình hình dịch COVID-19 rất khó khăn, chúng ta đã đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng, chúng ta đã làm được điều tưởng như không làm được để mang lại bình yên cho Nhân dân. Trong lúc nguồn lực có hạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đoàn kết ủng hộ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta đã chiến thắng đại dịch COVID -19”. 
Thành tựu đạt được trong công tác chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đó là: Sáng tạo công thức chống dịch: “5K + vắc xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân + các biện pháp khác” với các trụ cột: xét nghiệm, cách ly, điều trị; kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công; sau đó chuyển hướng thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và cuối cùng là tập trung thực hiện "đa mục tiêu" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; điều chỉnh giải pháp phòng, chống dịch thành “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”. Bên cạnh đó là chiến lược vắc xin đúng đắn, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức tiêm chủng vắc xin cho toàn dân miễn phí với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đồng thời, mạnh dạn mở cửa hội nhập quốc tế và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. 
Đại dịch COVID-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc; sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID -19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020. Ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, WHO xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.
Tại Viêt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh ngày 23/01/2020. Đến nay, trải qua 2 giai đoạn chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43 ngàn trường hợp tử vong; hơn 99% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020 - 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 98.000 trường hợp mắc, 20 trường hợp tử vong.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất chuyển phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QÐ-BYT điều chỉnh phân loại COVID -19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.
Có 9 bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID -19: Sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan, các địa phương, đặc biệt là giữa ngành Y tế, Công an, Quân đội và các ngành liên quan; chủ động từ sớm, từ xa, từ ngay cơ sở; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn; nâng cao năng lực hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở; minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng; thực hiện đồng bộ vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế, an ninh, an toàn trật tự xã hội; chủ động, tích cực tăng cường hợp tác, ngoại giao y tế với các quốc gia, tổ chức quốc tế.

* KIỂM SOÁT, QUẢN LÝ BỀN VỮNG DỊCH BỆNH COVID-19 GIAI ĐOẠN MỚI 
Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 15/12/2023, toàn tỉnh đã ghi nhận 141.074 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, hiện đang điều trị 3 ca, kết thúc điều trị 140.907 trường hợp, về địa phương khác 16 ca, tử vong 148 ca.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 tỉnh Lâm Đồng đánh giá tỉnh đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, đã giải thể 52/54 cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID -19, còn lại 2 khu điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện II Lâm Đồng, hiện nay đang rà soát để tiến hành giải thể theo quy định.
Một số nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai như: Tiếp tục truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh (COVID-19, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết…) để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên địa bàn để kịp thời ứng phó với các tình huống dịch có thể xảy ra. Tiếp tục thực hiện điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có 191 mặt hàng với tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng (trong đó, thuốc có 87 mặt hàng, trị giá gần 245 triệu đồng và vật tư, hóa chất 104 mặt hàng, trị giá 849 triệu đồng). Rà soát, thực hiện công bố hết dịch COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Giải thể các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và xử lý các vấn đề liên quan như sắp xếp, điều chuyển trang thiết bị, tài sản…
Đánh giá, xây dựng lộ trình, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội, an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023 -2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này nhằm mục tiêu bảo đảm kiểm soát hiệu quả và bền vững dịch COVID-19, đồng thời bảo vệ sức khoẻ của người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Theo kế hoạch, mục tiêu chung là giảm số ca mắc COVID-19, đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương. Đồng thời, cũng nhằm giảm ca nặng và tử vong do COVID-19, đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
Để đạt được mục tiêu này, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, công tác chỉ đạo và điều hành được đặt lên hàng đầu. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định, đồng thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ sở y tế trong công tác kiểm soát và điều trị COVID-19. Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện Nhi Lâm Đồng sẽ đảm bảo nhân lực, thuốc, vật tư phục vụ điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực. Các cơ sở y tế cũng sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm đối với cán bộ y tế và người chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời, triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Các trung tâm này sẽ định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc và khuyến cáo những trường hợp nghi mắc bệnh, mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác và tự cách ly.
Công tác truyền thông cũng được đặt lên hàng đầu trong kế hoạch. Các cơ quan truyền thông sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh. Truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân hiểu và biết cách tự phòng bệnh. Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong kế hoạch. Các đơn vị y tế sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo, thống kê ca bệnh, xét nghiệm, tiêm vắc xin. Đồng thời, triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, tài khoản định danh điện tử trong công tác quản lý ca bệnh. Triển khai các hoạt động nghiên cứu về dịch tễ học, giám sát sự tiến hóa và biến chủng của tác nhân gây bệnh. Tập huấn về hướng dẫn giám sát, chẩn đoán và điều trị COVID-19 cũng như hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị phù hợp với tình hình dịch. Có phương án đảm bảo cơ số giường bệnh, giường điều trị tích cực, khu vực điều trị COVID-19 tại các tuyến huyện, tỉnh. Các cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện công tác giám sát, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai các đáp ứng phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ...