Lan tỏa Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

NGỌC NGÀ 06:32, 04/01/2024

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trên toàn tỉnh thực sự lan tỏa, người dân đồng lòng, ủng hộ, tham gia, thế trận an ninh nhân dân từng bước được xây dựng vững chắc tại cơ sở góp phần giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đam Rông là 1 trong 3 địa phương có kết quả xuất sắc trong thực hiện Phong trào TDBVANTQ năm 2023
Đam Rông là 1 trong 3 địa phương có kết quả xuất sắc trong thực hiện Phong trào TDBVANTQ năm 2023

Theo số liệu thống kê từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào TDBVANTQ (Ban Chỉ đạo 138) tỉnh, hiện toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 108 mô hình đảm bảo an ninh trật tự (nhân rộng ra toàn tỉnh với 2.290 điểm) điển hình như: “Giáo xứ không có tội phạm”, “Giáo họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tổ cựu chiến binh gương mẫu”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Tổ liên hộ tự quản về ANTT”, “Quản lý, giáo dục đối tượng ma tuý tại khu dân cư”… Một số mô hình đang phát huy hiệu quả rất lớn như Mô hình “Camera an ninh” đang được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh với 5.869 mắt camera và tiếp tục được nhân rộng. Hay Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” của huyện Bảo Lâm được Cục V05 - Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao và tiến hành nhân rộng.

Kết quả đó có được bởi trong suốt năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Phong trào TDBVANTQ. Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kịp thời phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng cộng đồng dân cư. Ban Chỉ đạo 138 tỉnh thông tin thêm, trong năm, toàn tỉnh đã có 1.358 buổi tuyên truyền pháp luật được tổ chức, thu hút trên 125 ngàn người tham dự. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được các đơn vị, địa phương tiến hành trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội: zalo, facebook… đưa thông tin rộng rãi đến người dân. Từ đó, Nhân dân đồng thuận trong thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chủ động bảo vệ, tự giác đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để bị kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. 

Với nhiều biện pháp được triển khai, sự đồng thuận của người dân cũng tăng lên rõ rệt. Điều đó không chỉ được chứng minh bởi việc Ngày hội TDBVANTQ được tổ chức ở tất cả các địa bàn, thu hút đông đảo người dân tham gia với không khí đầm ấm, vui vẻ, đoàn kết đúng nghĩa là ngày hội của cả cộng đồng mà còn được thể hiện rõ trong khí thế thi đua sôi nổi của chính người dân. Cụ thể, trong năm, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng Phong trào TDBVANTQ gắn với thực hiện các phong trào, cuộc vận động khác như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Tham gia giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, Xoá đói giảm nghèo, Đền ơn đáp nghĩa… Qua xây dựng phong trào, quần chúng Nhân dân đã phát hiện, cung cấp 2.542 tin có giá trị giúp các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ 895 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt giữ và xử lý 1.845 đối tượng; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khám phá 146/146 vụ, bắt giữ, xử lý 194 đối tượng…; đồng thời bám sát tình hình thực tế để giải quyết các vấn đề trong nội bộ Nhân dân ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng. Cũng từ đó, tại tất cả các địa bàn trong toàn tỉnh, người dân đã tự nguyện giao nộp nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Ngoài lan tỏa mạnh mẽ trong các khu dân cư, Phong trào TDBVANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cũng được đẩy mạnh tập hợp được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên tham gia góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nói riêng và địa phương nói chung.

Cuối năm 2023 vừa qua, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã công bố kết quả đánh giá, phân loại Phong trào TDBVANTQ đối với cấp huyện; cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh quản lý năm 2023. Theo đó, đối với 12 cấp huyện: có 3 địa phương phân loại xuất sắc (huyện Đơn Dương, Đam Rông và Cát Tiên); 9 địa phương phân loại khá. Đối với 161 cơ quan, đơn vị: có 29 cơ quan, đơn vị phân loại xuất sắc; 116 cơ quan, đơn vị phân loại khá; 12 cơ quan, đơn vị phân loại trung bình và 4 cơ quan, đơn vị phân loại yếu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh cũng đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng phong trào có nơi, có lúc chưa thường xuyên, liên tục, còn mang tính hành chính; một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ bí mật Nhà nước; công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia Phong trào TDBVANTQ ở địa bàn chiến lược, trong vùng tôn giáo đôi khi thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục chưa thực sự quan tâm, tập trung chỉ đạo đối với công tác xây dựng phong trào, cá biệt có một số doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký, xây dựng đơn vị “An toàn về an ninh trật tự” làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng phong trào.

Tình hình tội phạm về trật tự xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Tình trạng vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực nóng như: quản lý, bảo vệ rừng, đất đai, khoáng sản vẫn xảy ra ở một số địa bàn. Tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay qua các ứng dụng có yếu tố nước ngoài với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, kín kẽ, khó phát hiện và xử lý. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế. Còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại các khu vực đông dân cư, địa bàn trọng điểm… đã tác động không nhỏ đến công tác xây dựng Phong trào TDBVANTQ của địa phương.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh xác định những nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục những hạn chế bất cập còn tồn tại nhằm tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ Phong trào TDBVANTQ trong năm 2024.