(LĐ online) - Sáng nay, 17/1, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác BHXH, BHYT năm 2024. Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng có ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đậu Tú Lan – Giám đốc BHXH tỉnh và các đại biểu thuộc các sở, ban, ngành, cùng các phòng chuyên môn thuộc BHXH tỉnh.
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và ông Đậu Tú Lan – Giám đốc BHXH tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh |
Năm 2023, BHXH Việt Nam hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN (bảo hiểm thất nghiệp); vượt số thu và số tiền chậm đóng giảm sâu nhất từ trước đến nay.
Tỷ lệ người tham gia BHXH trong cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi với 18,259 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ). Trong đó, khoảng 3,92% LLLD trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện với gần 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương).
Tỷ lệ người tham gia BHTN đạt 31,58% LLLD trong độ tuổi với 14,693 triệu người. Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 93,307 triệu người (tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 93,35% dân số.
Số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT đạt 472.381 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán do Thủ tướng Chính phủ giao.
Số tiền chậm đóng chiếm 2,69% số phải thu, đây là tỷ lệ thấp nhất từ năm 2016 đến nay (giảm từ 6% xuống còn 2,69).
BHXH Việt Nam đã thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp. Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, với cách thức đơn giản, tiện lợi; tăng cường kiểm soát chống trục lợi quỹ; góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động (NLĐ).
Công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) tiếp tục được đổi mới theo cách thức kết hợp giữa thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử, tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian. Thực hiện tốt chế độ tiếp dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất; quan tâm việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với công dân nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được chú trọng đẩy mạnh. Bộ TTHC được cắt giảm từ 114 thủ tục năm 2015 xuống còn 25 thủ tục, trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.
BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng VssID - BHXH số. Đến nay, có khoảng 35 triệu người sử dụng VssID - BHXH số.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng |
BHXH Việt Nam xác định mục tiêu năm 2024 đạt tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 42,7%; tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng 34,18%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 94,11%. Phương châm hành động trong toàn Ngành là: “Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới, phát triển, lập thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam”.
BHXH Việt Nam kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành nghiên cứu, khẩn trương báo cáo, trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung đồng bộ Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật liên quan phù hợp với tinh thần các Nghị quyết của Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về khám bệnh, chữa bệnh, lao động… liên thông, chia sẻ với cơ quan BHXH, tạo thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch điện tử nhằm tăng cường tính chính xác, công khai, minh bạch, cải cách TTHC và nâng cao hiệu quả công tác quản lý người đóng, hưởng BHXH.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng |
UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn. Đồng thời, đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN vào nghị quyết, chương trình hành động, xác định đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin