Năm 2024, ngành Y tế tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

AN NHIÊN 12:41, 09/01/2024

(LĐ online) - Sáng nay, 9/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng, tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị y tế trực thuộc ngành Y tế tỉnh.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do Quốc hội và Chính phủ giao, ngành y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu là: Số bác sĩ trên 10.000 dân thực hiện đạt 12,5 bác sĩ (vượt chỉ tiêu được giao là 12 bác sĩ). Số giuờng bệnh trên 10.000 dân thực hiện đạt 32 giường bệnh (đạt chỉ tiêu được giao). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thực hiện đạt 93,2% dân số (đạt chỉ tiêu được giao).

Bên cạnh đó, trong 9 chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao cho Bộ Y tế kết quả thực hiện vượt và đạt 7/9 chỉ tiêu như:  Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe trên 80%; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế trên 90%; đạt 3,2 dược sỹ đại học trên 10.000 dân; đạt 15 điều dưỡng trên 10.000 dân; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi có 11,6 ca trên 1.000 trẻ đẻ sống;  tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi có 18,2 ca/1.000 trẻ đẻ sống; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi 18,6%. Tuy nhiên, còn 2 chỉ tiêu không đạt  là: Tuổi thọ trung bình 73,7 (kế hoạch giao 73,8); tỷ số giới tính của trẻ mới sinh 112 bé trai/100 bé gái (kế hoạch giao 111,2).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạch hội nghị
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc hội nghị

Trong lĩnh vực y tế dự phòng - Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; xây dựng các văn bản đáp ứng giám sát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Năm 2023 cả nước ghi nhận 99.479 ca mắc và 20 ca tử vong do Covid-19, lũy kế cả nước ghi nhận 11.624.694 ca mắc, 43.206 ca tử vong. Từ ngày 20/10/2023 điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. Ngày 29/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 -2025.

Tăng cuờng phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh mới nổi, xây dựng Đề án tăng cường công tác tiêm chủng. Triển khai các giải pháp đảm bảo và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 90%. Tình hình sốt xuất huyết ghi nhận 170.184 trường hợp mắc (giảm 53,9% so vói cùng kỳ 2022), 42 trường hợp tử vong (giảm 72,2% so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh tay chân miệng ghi nhận 180.983 trường hợp mắc (tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ 2022), 31 trường hợp tử vong (tăng 10,3 lần so với cùng kỳ 2022). Bệnh dại ghi nhận 82 ca tử vong (tăng 12 ca so với cùng kỳ 2022); bệnh sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 393 trường hợp mắc (tăng 35 ca so với cùng kỳ 2022); bệnh bạch hầu ghi nhận 55 ca mắc, 5 ca tử vong; bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận 121 ca mắc, 6 ca tử vong; bệnh sốt rét có 1 ca tử vong; viêm não vi rút có 8 ca tử vong.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Đánh giá chung, năm 2023, ngành y tế thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí đã tạo phong trào thi đua trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa…

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Năm 2024 dự báo ngành Y tế đối mặt các thách thức do gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm; tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng. Ngành Y tế xác định mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết hiệu quà tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ghi nhận và biểu dương ngành Y tế. Chính phủ đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành Y tế. Những thành tựu của ngành Y tế trong những năm qua hết sức nổi bật như đã chủ động sản xuất 9/11 loại vắc xin dùng trong tiêm chủng mở rộng; giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi; phòng chống thành công nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (trong đó có Covid-19); tiến tới làm chủ các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật tay nghề của thầy thuốc giỏi…

Hoạt động khám chữa bệnh cơ bản đáp ứng yêu cầu; liên thông khám chữa bệnh từ xa hết sức quan trọng; chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên; công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng đẩy mạnh làm cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của ngành y; tháo nút thắt trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số được đẩy mạnh bước đầu đã phát huy tác dụng; năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên; hệ thổng tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn; ngành Y làm chủ được nhiều kỹ thuật cao (với thành tựu ghép đa tạng thành công trong năm 2023).

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành Y tế phải tăng tốc và bứt phá, cần bám sát và thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ, thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách ngành y; đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng dự trữ vật tư, thuốc, thuốc hiếm, các loại vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng; tập trung kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh, tăng cường khả năng dự báo, đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực điều trị, nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; mở rộng BHYT tiến tới bao phủ BHYT toàn dân; tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số; rà soát sắp xếp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đẩy mạnh tự chủ y tế công lập và phát triển y tế tư nhân; nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở; nghiên cứu đề xuất chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực chất lượng cao trong ngành y tế…