Ngành Thông tin và Truyền thông với năm ''tạo lập giá trị mới''

DIỄM THƯƠNG 06:21, 09/01/2024

Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã trở thành đơn vị đầu tiên trong hệ thống các Sở Thông tin và Truyền thông cả nước và đơn vị cấp sở thứ 2 (sau Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng) khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). 

Trung tâm Giám sát an toàn an ninh tập trung tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức khai trương và vận hành
Trung tâm Giám sát an toàn an ninh tập trung tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức khai trương và vận hành

RA MẮT TRUNG TÂM IOC

Trung tâm IOC của Sở Thông tin và Truyền thông với tên gọi Trung tâm Giám sát an toàn an ninh tập trung tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức khai trương và vận hành vào tháng 12/2023.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng, Trung tâm IOC của ngành được xây dựng với 8 hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành gồm: hệ thống Báo cáo chuyên ngành; CSDL ngành; CSDL mở; Hệ thống bản đồ số; Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng; Hệ thống máy chủ Antivirus; Phần mềm Giám sát quản lý thông tin; Trục liên thông văn bản; Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh Lâm Đồng. Trong đó có 3 hệ thống giúp thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 35 giao, nhiệm vụ về đảm bảo an toàn, an ninh cho các CSDL và các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh.

Sau khi khai trương, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã trở thành đơn vị đầu tiên trong hệ thống các Sở Thông tin và Truyền thông cả nước và đơn vị cấp sở thứ 2 (sau Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng) khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm IOC.

Từ năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai xây dựng hệ thống CSDL ngành, từng bước hoàn thiện các hệ thống thông tin, biểu mẫu báo cáo chuyên ngành phục vụ chỉ đạo điều hành toàn ngành trên địa bàn tỉnh, đặt những nền móng đầu tiên cho việc hình thành Trung tâm IOC của ngành Thông tin và Truyền thông. Đến nay, hệ thống đã hoàn thiện với các phân hệ nghiệp vụ đảm bảo cung cấp cho lãnh đạo cách nhìn toàn diện, thực hiện giám sát và quản lý một cách tổng thể trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông. 

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của ngành cung cấp các bộ chỉ số, chỉ tiêu, cơ sở dữ liệu cơ bản gồm: Dữ liệu quản lý chuyên ngành; các chỉ tiêu thống kê định kỳ, đột xuất phản ánh tình hình, kết quả hoạt động của từng lĩnh vực; bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành (trong đó có: Nhóm chỉ số theo dõi, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao hàng tháng, quý, năm; Nhóm chỉ số theo dõi, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh giai đoạn 2023-2025; Nhóm chỉ số theo dõi, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu được giao tại nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh hàng năm và 5 năm; Nhóm Chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành khác của ngành).

DẤU ẤN “SỐ”

Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: Năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là “Năm Dữ liệu số quốc gia - tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Hoà nhịp với sự phát triển của tỉnh, ngành Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã triển khai thực hiện tốt hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, công tác chuyển đổi số - nội dung cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh trên phạm vi toàn tỉnh, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các địa phương thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, đưa vào vận hành Trung tâm IOC, đến nay đã có 10/12 huyện, thành phố xây dựng và đưa vào hoạt động. Thẩm định kỹ thuật cho nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông tin cho các đơn vị triển khai thực hiện. Phối hợp các đơn vị xây dựng, ban hành Kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số năm 2023 đem lại hiệu quả cao, qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hỗ trợ các đơn vị xây dựng chủ trương đầu tư cho các dự án trọng điểm theo nhiệm vụ được UBND tỉnh giao như: hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh; Trung tâm dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở... Phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thử nghiệm ứng dụng Công dân số tỉnh Lâm Đồng... 

Ở lĩnh vực bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2025. Trong đó, tập trung 5 lĩnh vực chính: Trước hết là hạ tầng viễn thông băng rộng với số trạm thu phát sóng di động BTS là 1.700 trạm tăng 70 trạm đạt 104,29% so với năm 2022; 100% khu dân cư được phủ sóng băng rộng di động; 100% UBND cấp xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; triển khai thử nghiệm 12 trạm thu phát sóng thông tin di động 5G tại khu vực đông dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng và huyện Lạc Dương. Tiếp đó là sử dụng dịch vụ viễn thông với số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 93,5%; thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80,7%; hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 91,53%; dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 92,5%. Cùng đó là hạ tầng điện toán đám mây với 4/8 hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Về hạ tầng công nghệ số, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, internet vạn vật như dịch vụ trong công tác chuyển đổi số của tỉnh. Đối với nền tảng số, đã triển khai 5/7 nền tảng số.

Các Phòng Văn hóa - Thông tin đã duy trì hoạt động quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông tại địa phương, duy trì hoạt động các trang thông tin điện tử của các địa phương, thường xuyên cập nhật tin, bài, hình ảnh của các địa phương phản ánh kịp thời tình hình kinh tế chính trị xã hội của địa phương. 

Đối với các doanh nghiệp thông tin truyền thông xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin thông suốt đến cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới bưu chính, viễn thông được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin ngày càng cao của Nhân dân. Doanh thu Bưu chính Viễn thông năm 2023 ước đạt 2.850 tỷ đồng đạt 105,16%, nộp ngân sách năm 2023 ước đạt 110 tỷ đồng.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Năm 2024, ngành sẽ tập trung vào các kết quả thực chất, về bưu chính, sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ; về viễn thông sẽ giải quyết triệt để sim rác và thương mại hoá 5G; về dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến; về chuyển đổi số sẽ nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số lên ít nhất 50%; về báo chí xuất bản và truyền thông là sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề tư nhân hóa báo chí hay báo hoá trang tin, mạng xã hội...