Nỗ lực xóa mù chữ cho người dân vùng sâu

NHẬT MINH 06:25, 30/01/2024

Gần 2 tháng nay, vào mỗi buổi tối, sau một ngày lên rẫy, người dân xã Đa Quyn - cũng là xã vùng sâu, còn nhiều khó khăn nhất của huyện Đức Trọng, lại cùng nhau lên lớp học chữ. Nhờ đó, nhiều người từ một chữ bẻ đôi cũng không biết, nay đã biết đánh vần, biết viết tên mình.

Đến với lớp học, nhiều người
từ một chữ bẻ đôi cũng không biết,
nay đã biết đánh vần, biết viết tên mình
Đến với lớp học, nhiều người từ một chữ bẻ đôi cũng không biết, nay đã biết đánh vần, biết viết tên mình

Ma Thôn (thôn Chơ Ré) năm nay 50 tuổi, đã có chắt gọi bằng bà cố, nhưng khi đến với lớp học chữ này, chị mới lần đầu tiên biết đến cách cầm viết. Chị vui vẻ chia sẻ: “Vì hồi nhỏ không được học, không biết chữ, thấy mình rất thiệt thòi nên khi có lớp học này, tôi quyết định đi học để viết được tên mình, rồi để đi đây đi đó thì cũng có thể đọc được chỗ mình đang đến. Lúc đầu khi mới đến lớp, tôi thấy học chữ rất khó, nhiều khi cũng muốn bỏ học. Nhưng rồi, được sự động viên của cô giáo, cùng với quyết tâm phải học để biết được con chữ, nên tôi quyết tâm phải học bằng được. Từ khi học chữ, viết được tên mình, rồi đi trên đường thấy mấy cái biển báo, tôi cũng đã đọc được, tôi thấy rất vui, nên bữa giờ tôi chưa bỏ học bữa nào, cứ sau thời gian đi chăn bò ban ngày, tối về cơm nước xong xuôi tôi lại tranh thủ tới lớp”.

Cũng với mong muốn được biết đọc con chữ, biết viết tên mình, cô Dắt K Chiên (56 tuổi, ngụ tại thôn Tân Hạ), cho biết: “Ban ngày, tôi lên rẫy, tối về tranh thủ tới lớp học. Hồi nhỏ tôi cũng chỉ được học tới lớp 1, mà lâu quá rồi, không còn nhớ mặt chữ. Sau gần 2 tháng theo học tại lớp, nay tôi đã biết đánh vần, ghép chữ, thấy vui lắm luôn. Ngoài thời gian tới lớp, về nhà tôi cũng tranh thủ học bài để không quên mặt chữ”.

Chú Kon Sa Ha Bích - học viên của lớp, cũng cho hay: “Bố mẹ tôi mất sớm, nên từ nhỏ tôi không được đi học, lúc đó, thấy các bạn được đi học, tôi thấy buồn lắm. Giờ đã có con, cháu, có lớp học này mở cho bà con, tôi liền đăng ký theo học ngay. Trước đây, sau một ngày lao động, buổi tối cơm nước xong xuôi thì tôi thường coi ti vi, đi qua nhà hàng xóm chơi rồi đi ngủ. Từ khi theo học lớp học xóa mù chữ này, tranh thủ cơm nước buổi tối xong, 6 giờ là tôi đã tới lớp học, tới khoảng 8h30 thì về. Sau khi đi học ở lớp về, tôi còn nhờ con trai đang học lớp 7 kèm thêm để mau biết mặt chữ, biết làm toán. Giờ biết đọc được những từ dễ rồi, biết ghép vần rồi, tôi thấy thích lắm, chỉ trừ lúc ốm đau mới phải nghỉ học thôi”.

Cô Ma Mai - giáo viên Trường Tiểu học Chơ Ré, cũng là một trong 3 giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy xóa mù chữ cho bà con trên địa bàn, gắn bó với các học viên của lớp xóa mù chữ gần 2 tháng nay. Khoảng 18 giờ, lớp học xóa mù chữ nơi đây lại sáng đèn, hòa vang trong tiếng ê a tập đánh vần của những học viên rất đặc biệt. Do học viên lớp học có nhiều độ tuổi, trình độ nhận thức khác nhau nên cô giáo Mai thường cố gắng lựa chọn những phương pháp phù hợp, giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ và hào hứng hơn trong học tập để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần. Cô giáo Ma Mai cho biết: “Vì đa phần các học viên theo học tại lớp đều đã lới tuổi nên lúc đầu khi mới cầm bút, tay cũng bị cứng hơn so với các em học sinh và khi đọc chữ cái thì mọi người sẽ học khó thuộc hơn các em nhỏ, nên lúc đầu, tôi vẫn cầm tay mọi người tập viết từng chữ, đến khi mọi người viết được rồi thì thôi. Mặc dù dạy bà con cũng gặp khó khăn hơn so với dạy các em học sinh, nhưng khi các học viên biết đọc trơn, biết ghép vần, cả cô giáo và học viên ai nấy đều rất phấn khởi”.

Cô giáo Trần Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chơ Ré, cho biết: “Từ cuối tháng 11/2023, xã Đa Quyn phối hợp mở các lớp xóa mù chữ cho bà con Nhân dân trên địa bàn theo học, với gần 70 học viên, có độ tuổi từ 30-60 tuổi. Đến với lớp học, các học viên sẽ được học 3 môn: Toán, Tiếng Việt và Tự nhiên xã hội. Để tạo thuận lợi cho người dân theo học, xã Đa Quyn đã chia thành 3 lớp học tại 3 điểm khác nhau, gồm: Trường Tiểu học Chơ Ré, hội trường thôn Chơ Rung và điểm trường Ma Bó. Để đảm bảo cho việc lao động của bà con, các lớp học cũng được tổ chức vào các buổi tối, trong khung giờ từ 18h30 đến 20h30. Dự kiến, lớp học sẽ kéo dài đến tháng 5/2024”.

Nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân về công tác xoá mù chữ, tăng tỷ lệ số người biết chữ, giảm tái mù chữ trong cộng đồng; hoàn thành mục tiêu kế hoạch thực hiện Đề án Xoá mù chữ đến năm 2025; thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn xã, thời gian qua, xã Đa Quyn đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn, nhất là bà con dân tộc thiểu số, trong độ tuổi từ 15-60, tham gia lớp học xóa mù chữ.

Và, hành trình đi tìm con chữ của những học viên nơi xã vùng sâu còn nhiều khó khăn nhất của huyện Đức Trọng vẫn còn lắm nhọc nhằn, nhưng trong mỗi lớp học là những ánh mắt chan chứa niềm vui khi hướng về con chữ. Họ tranh thủ đến lớp, xong lại vội vã trở về để chuẩn bị cho một ngày quần quật lao động với nương rẫy. Thế nhưng, phía sau tiếng đánh vần ê a từng con chữ ấy là niềm tin một tương lai tươi sáng hơn...