(LĐ online) - Sáng 31/1, cuộc thi “Thiết bị dạy học số” cấp học mầm non năm học 2023 - 2024 do Sở GD&ĐT tổ chức đã kết thúc với nhiều giải pháp mới được đưa ra thông qua các sản phẩm dự thi của đội ngũ quản lý, giáo viên cấp mầm non trên địa bàn toàn tỉnh.
Các tác giả đoạt giải tại cuộc thi “Thiết bị dạy học số” cấp học Mầm non |
Diễn ra từ ngày 22/1 đến ngày 26/1/2024, cuộc thi đã thu hút được 107 bài (Bài giảng Video 35 bài; Bài giảng E-Learning 36 bài; Sách điện tử 36 bài), trong đó có 105 bài đạt, 2 bài không đạt.
Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi - Nguyễn Thị Hồng Diễm cho biết: Phần lớn, các bài thi được chuẩn bị chu đáo về nội dung, bám sát mục đích, yêu cầu, thể hiện tính sáng tạo cao trong triển khai mạch bài giảng. Đảm bảo cấu trúc, phù hợp nội dung. Thực hiện đa dạng tính tương tác thông qua các dạng bài tập, liên kết các trang trò chơi...
Đa số các bài dự thi đảm bảo thời lượng, phân bổ nội dung hợp lý. Kết cấu đa dạng, sáng tạo linh hoạt tạo tình huống và cơ hội cho trẻ tương tác, tự học. Sử dụng kết hợp thành thạo nhiều kỹ thuật trong một bài dự thi: bố cục, màu sắc, phông chữ, hiệu ứng, tách nền video, biên tập video, sáng tạo nhân vật dẫn truyện, đồng bộ âm thanh, nhúng web vào bài thi. Nhiều bài thi sử dụng đa ngôn ngữ hướng tới đa dạng đối tượng người học: tiếng dân tộc, tiếng Anh…
Sử dụng sáng tạo việc cắt ghép các nhân vật kết hợp cùng một số ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong tạo học liệu (kịch bản, tranh ảnh, audio, video), tạo sự hứng thú, hấp dẫn cho người học. Một số bài thi thể hiện rõ kỹ thuật ứng dụng sáng tạo nguồn kênh thông tin cũng như kỹ thuật tạo hình, âm thanh tương tác...
Tuy nhiên, một số thí sinh tham gia dự thi không nghiên cứu kỹ thể lệ, xây dựng bài thi không đúng cấu trúc, yêu cầu đóng gói, việt hóa, chưa đảm bảo dung lượng, quá thời gian quy định hoặc nội dung bài thi không phù hợp đối tượng. Một số sản phẩm dự thi có kịch bản dài dòng, nhân vật không xuyên suốt, cùng một nhân vật nhưng sử dụng nhiều mẫu, định dạng hình ảnh nhân vật khác nhau dẫn đến không đồng nhất hình dạng, màu sắc nhân vật, người học khó theo dõi được mạch câu chuyện; sắp xếp nội dung làm gián đoạn sự theo dõi của trẻ, giới thiệu cho trẻ bắt đầu xem câu chuyện, nhưng tiếp theo lại giới thiệu mục đích - yêu cầu bài dạy. Một số tác giả hướng dẫn sử dụng bài giảng dài dòng, xây dựng bài học thiếu trọng tâm, dẫn dắt miên man, sử dụng nhiều trò chơi, bài tập với màu sắc lòe loẹt, hiệu ứng không phù hợp làm người học khó nắm bắt nội dung.
Sau cuộc thi, Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non, các Phòng GD&ĐT cần xây dựng và phát triển Kho học liệu số của đơn vị về thiết bị dạy học số có chất lượng và đa dạng. Hàng năm các phòng GD&ĐT cần phát động và tổ chức cuộc thi Thiết bị dạy học số cấp học mầm non nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào thiết kế, sáng tạo thiết bị dạy học, bổ sung nguồn tư liệu, học liệu, thiết bị dạy học để sử dụng trong tổ chức các hoạt động dạy và học. Các cơ sở giáo dục mầm non tích cực chia sẻ, sử dụng các học liệu có trong Kho học liệu số Giáo dục mầm non tỉnh Lâm Đồng phù hợp với điều kiện thực tế, tạo môi trường để trẻ phát triển toàn diện và lành mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin