Lâm Đồng trong năm 2024 sẽ tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Các đơn vị chức năng tỉnh trong năm 2024 cần thực hiện tốt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của tỉnh trên địa bàn. Trong ảnh: Doanh nghiệp đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Bộ phận Một cửa UBND TP Đà Lạt |
• HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ ĐÚNG TIẾN ĐỘ
Một trong những điểm nổi bật trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của Lâm Đồng trong năm 2023, theo đánh giá của UBND tỉnh, chính là việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ.
Với cấp sở, ban, ngành và huyện, thành trong tỉnh, căn cứ Kế hoạch CCHC đã được ban hành tại Quyết định 2571/QĐ-UBND ngày 30/12/2022, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm đã tập trung phấn đấu thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đưa ra. Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tất cả các ban, ngành, huyện, thành trong tỉnh đã hoàn thành 40/40 nhiệm vụ đề ra (đạt tỷ lệ 100%).
UBND tỉnh Lâm Đồng trong năm được Chính phủ giao 174 nhiệm vụ; trong đó, 84 nhiệm vụ đã hoàn thành đúng và trước hạn tính đến thời điểm gần cuối năm 2023; 90 nhiệm vụ còn lại đang trong thời hạn thực hiện (61 nhiệm vụ đã hoàn thành chờ xác nhận), không có nhiệm vụ quá hạn.
Trong năm 2023, Lâm Đồng đã tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện của 62 thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan đến quy trình dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực như kế hoạch và đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, công thương, nông nghiệp, văn hóa - thể thao và du lịch; tỷ lệ thời gian rút ngắn bình quân hơn 22% so với trước đây (riêng lĩnh vực khoáng sản giảm từ 694 ngày còn 254 ngày, tỷ lệ giảm 63,4%).
Lâm Đồng cũng ban hành hướng dẫn thực hiện song song các TTHC trong quá trình thực hiện dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, rút ngắn thời gian triển khai dự án thời gian từ 130 đến 275 ngày, đạt tỷ lệ 25% đến 46%, tùy thuộc loại dự án. Tỉnh cũng công bố 3 TTHC liên thông trên cơ sở gộp 4 TTHC trong lĩnh vực đất đai, theo đó đã giảm thời gian thực hiện 2-3 ngày so với quy định.
Trong giải quyết TTHC năm 2023, tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,86% trong đó đã giải quyết xong 333.314 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 326.189 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ TTHC ở cấp huyện tiếp nhận được giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,16%, trong đó đã giải quyết xong 57.037 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 55.417 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp xã tiếp nhận được giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,79%, trong đó đã giải quyết xong 513.936 hồ sơ, giải quyết đúng hạn là 512.844 hồ sơ.
Như đánh giá của tỉnh, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh ngày càng thể hiện quyết tâm trong công tác CCHC; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng hệ thống một cửa điện tử; nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tham gia giải quyết TTHC, hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua.
UBND tỉnh trong năm đã ban hành các kế hoạch và kịp thời đôn đốc các cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ CCHC, cải cách TTHC; công bố danh mục TTHC và cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công Quốc gia. Quá trình vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia được sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của Văn phòng Chính phủ cũng như phối hợp chặt chẽ với VNPT Lâm Đồng về quy trình, kỹ thuật nên đã góp phần lớn để Lâm Đồng thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ của cấp trên giao.
• NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 12-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện hiệu quả Kế hoạch CCHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Trong cải cách thể chế cần chú trọng thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các sở, ngành, địa phương gửi đến, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra văn bản QPPL, qua đó kịp thời tham mưu xử lý các văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật; đề ra biện pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật, không để xảy ra hậu quả pháp lý từ việc thi hành văn bản trái pháp luật.
Qua đó yêu cầu các đơn vị chức năng tỉnh cần thực hiện tốt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” của tỉnh trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân; kịp thời công bố danh mục TTHC, cập nhật Cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện việc công khai TTHC đảm bảo theo quy định.
Các ngành, các cấp cũng cần thường xuyên cập nhật, xây dựng và ban hành quy trình nội bộ trong thực hiện TTHC; tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính cũng như vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công Quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ; triển khai Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Đặc biệt, Lâm Đồng sẽ tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Đồng thời, tiếp tục giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình quy định của Trung ương; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng; thực hiện tốt chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, trong đó chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ngành chức năng tỉnh cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.
Lâm Đồng cũng đưa ra các biện pháp để tiếp tục đảm bảo thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính tại các các đơn vị sự nghiệp công lập.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục duy trì và tăng tỷ lệ văn bản, tài liệu chính thức trao đổi dưới dạng điện tử; tích cực tham gia dữ liệu mở và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; xây dựng, lưu giữ, chia sẻ kho dữ liệu điện tử theo quy định đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin