Giữ rừng được những người làm công tác quản lý và các hộ giao nhận khoán ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Huoai (huyện Đạ Huoai) xem như “cái nghiệp” đeo đuổi đời người; những mái đầu bạc giữa cánh rừng xanh thăm thẳm, giọt mồ hôi rơi trong bữa cơm nấu vội, lúc chín, lúc không giữa mênh mang núi đồi.
Những cánh rừng ở Đạ Huoai vẫn xanh ngát một màu. |
Hiện nay, Ban QLRPH Nam Huoai đang quản lý 17.509 ha rừng, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng năm 2023 trên 15.500 ha, được giao cho 504 hộ và 2 tập thể. Ban QLRPH Nam Huoai có 2 trạm chính là Trạm đèo bảo vệ rừng Bảo Lộc và Trạm bảo vệ rừng Bà Gia với 8 chốt quản lý bảo vệ rừng.
Những ngày đầu xuân, chúng tôi có cơ hội đi rừng, được gặp bà con tổ chức kiểm tra, nghiệm thu rừng. Ai ai cũng vui mừng, phấn khởi vì rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, trong năm qua không để xảy ra vụ việc khai thác, phá rừng, lấn chiếm rừng, không để xảy ra cháy rừng.
Là một người giữ rừng, được anh em trong Ban QLRPH và các hộ giao nhận khoán đánh giá là người hay thơ, hay chữ, ông Võ Đức Trí cảm xúc: Vẫn mong giữ được rừng xanh/ Đầu nguồn phòng hộ, an lành miền xuôi... Một rừng cây, một đời người/ Tiếng ca đâu đó bồi hồi sẻ chia… Đó những vần thơ tâm sự về nghề giữ rừng của ông Võ Đức Trí - Trưởng Ban QLRPH Nam Huoai, huyện Đạ Huoai.
Không chỉ làm thơ, trong các buổi tuyên truyền tại các trường học, địa phương; ông Võ Đức Trí đều tự sáng tác tiểu phẩm, cùng diễn với anh em Ban Quản lý và các hộ giao khoán trên sân khấu. Qua đó, tường minh một cách cụ thể về nhiệm vụ, công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp mọi người có một cách tiếp cận trực quan nhất về nghề lắm vất vả này.
Đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng vào sân khấu hóa chính là cách tuyên truyền trực quan giúp nâng cao ý thức của thế hệ trẻ |
Ông Võ Đức Trí cho biết, ông đã có gần 40 năm công tác trong ngành lâm nghiệp, từ trồng rừng đến bảo vệ rừng. Dù mái đầu đã bạc nhưng bước chân vẫn rắn rỏi để cùng anh em giữ những cánh rừng cửa ngõ phía Nam tỉnh Lâm Đồng mãi mãi xanh tươi.
Sau một đêm ngủ rừng; giờ trưa đầy nắng và gió; anh em nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tại chốt khu vực thủy điện Đam B’ri lại tất bật nấu cơm trưa. Dù vất vả, khó khăn nhưng tất cả họ đều có mục đích chung chính là giữ rừng, phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi làm nguy hại đến rừng.
Anh K’Tim (xã Phước Lộc) một hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng tâm sự: Vất vả nhưng đổi lại giữ được rừng quê hương, hằng quý lại có một khoản tiền để trang trải cuộc sống gia đình, cải thiện cuộc sống. Đồng bào ở đây đều có ý thức, trách nhiệm, tinh thần giữ rừng.
Có mặt tại chốt trực, ông Võ Đức Trí luôn luôn nhắc nhở anh em nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực rừng giáp ranh, các khu vực sát đường lớn vì lợi dụng sơ hở lâm tặc có thể đốn hạ cây rừng bất cứ lúc nào. Phải tăng cường hơn nữa, nêu cao tinh thần cảnh giác trong những dịp lễ, tết vì các đối tượng phá rừng thường nắm bắt để lợi dụng.
Không chỉ là nhiệm vụ giữ rừng, Ban QLRPH Nam Huoai cùng các hộ nhận giao khoán còn chú trọng bảo vệ động vật hoang dã. Tháo gỡ, tiêu hủy các loại bẫy thú rừng. Cán bộ của Ban QLBVR kể lại rằng đi rừng mà gặp những chiếc bẫy cài sẵn ai nấy cũng đau lòng, vì chỉ cần thú hoang dẫm phải, sau một tiếng tách là xem như sinh mạng thú rừng không còn.
Bữa cơm nấu vội của những người làm công tác nhận giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng |
Anh K’ Mão - một Tổ trưởng tổ nhận khoán tổ bảo vệ rừng chia sẻ: Rừng giữ được thì phải cố gắng giữ thú rừng, chim muông. Vào rừng chỉ cần nghe tiếng thú chạy, chim muông hót là ai nấy cũng cảm thấy hết mệt mỏi.
Trạm đèo Bảo Lộc có 4 cán bộ thuộc Ban BQLBVR và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, tại đây rừng vẫn còn hầu như nguyên sinh, có những cây cao đến 45 mét, đường kính lớn và nhiều cây gỗ quý thuộc nhóm II đến nhóm VI như trắc, trầm, lim… Chính vì vậy, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, giữ những cánh rừng nguyên vẹn là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục.
Một nỗi niềm khác của những người giữ rừng ở Đạ Huoai chính là việc trẻ hóa lực lượng vì tuổi đời của những người làm công tác hiện nay ở ban là khá cao. Trong khi đó, đi rừng, giữ rừng cần những người trẻ tuổi, nhiệt huyết.
Ông Võ Trường Chinh - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng đèo Bảo Lộc cho biết: Khu vực rừng được giao cho Trạm bảo vệ hầu như còn nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm. Dù có nhiều khó khăn, lực lượng còn mỏng, tuy nhiên chúng tôi luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm không để lâm tặc, các đối tượng thực hiện các hành vi phá rừng, săn bắt động vật hoang dã.
Một nỗi niềm khác của những người giữ rừng ở Đạ Huoai chính là việc trẻ hóa lực lượng vì tuổi đời của những người làm công tác hiện nay ở ban là khá cao. Trong khi đó, đi rừng, giữ rừng cần những người trẻ tuổi, nhiệt huyết.
Như cung đường tuần tra rừng giáp ranh với xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) nếu đi bộ theo đường rừng từ địa bàn huyện Đạ Huoai lên đến nơi phải mất 2 ngày. Còn đi xe máy lên xã Lộc Thành rồi đi bộ vào cũng mất một ngày dài. Ngoài ra, quá trình tuần tra, bảo vệ rừng luôn luôn tiềm ẩn những nguy cơ như ngã núi, bị côn trùng, rắn rít cắn, đặc biệt là sự chống đối của những đối tượng có hành vi phá rừng, săn bắn động vật hoang dã…
“Giữ rừng xứng đáng là nghề vinh quang/Dẫu rằng chẳng được giàu sang/ Đội trời, đạp đất dọc ngang núi rừng”, đó chính là những vần thơ đầu xuân mà anh em làm công tác giữ rừng ở Ban QLBVR Nam Huoai luôn luôn tâm đắc. Họ tự đọc những vần thơ trong lúc đi rừng để vẫn yêu đời, vẫn hăng say tuần tra dù mái tóc đã nhuộm bạc vì màu thời gian, vì sương rừng, khí núi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin