(LĐ online) - Từ ngày 15 - 19/1, đoàn công tác của Trường Đại học Đà Lạt do TS. Lê Minh Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường dẫn đầu đã có chương trình làm việc với các trường Đại học và Viện nghiên cứu tại Hàn Quốc.
Trao đổi hợp tác giữa Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Quốc gia Kangwon |
Cụ thể, đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Viện công nghệ sinh học CBF, Trường Đại học Quốc gia Kangwon, Viện Môi trường, Trường Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Mokpo, Trường Đại học Hallym, Viện nghiên cứu và thử nghiệm KTR.
Đến thăm và làm việc với Trường Đại học Quốc gia Kangwon - đơn vị trước đây đã có biên bản ghi nhớ hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp với Trường Đại học Đà Lạt, lần này, hai đơn vị thống nhất nâng cấp quan hệ và ký thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp, Hàn Quốc học, cũng như cấp học bổng toàn phần cho sinh viên Trường Đại học Đà Lạt đến học tại Trường Đại học Quốc gia Kangwon.
Trường Đại học Đà Lạt làm việc với Trường Đại học Quốc gia Seoul |
Làm việc với Viện Môi trường và Trường Đại học Quốc gia Seoul, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ và thống nhất tiến tới tổ chức hội thảo về thiết kế cảnh quan và đô thị tại Trường Đại học Đà Lạt trong tháng 10/2024. Viện Nghiên cứu môi trường của Trường Đại học Quốc giá Seoul cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ Trường Đại học Đà Lạt để thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo ngành thiết kế cảnh quan và quy hoạch đô thị.
Tại Trường Đại học Quốc gia Mokpo, hai đơn vị đã ký ý định thư về nộp đề xuất dự án trị giá 2 triệu USD hợp tác thực hiện nghiên cứu trong các lĩnh vực thiết kế đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và trao đổi học thuật, giảng viên, sinh viên.
Trường Đại học Đà Lạt làm việc với Trường Đại học Hallym |
Làm việc với Trường Đại học Hallym (một trong những trường đại học tư nhân lớn nhất Hàn Quốc), TS. Lê Minh Chiến cảm ơn nhà trường đã cấp học bổng và đào tạo cho Trường Đại học Đà Lạt một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Trong thời gian tới, GS. Chang Geung Song (nguyên Phó Hiệu Trưởng trường Đại học Hallym) sẽ sang nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học Đà Lạt. Đồng thời, hai trường sẽ đề xuất các dự án nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Đà Lạt.
TS. Lê Minh Chiến làm việc với Viện trưởng Viện nghiên cứu và thử nghiệm Hàn Quốc KTR |
Trường Đại học Đà Lạt cũng đã đến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu và thử nghiệm của Hàn Quốc (KTR), đây là Viện nghiên cứu và kiểm định lớn nhất Hàn Quốc. Từ năm 2014, hai đơn vị đã ký biên bản ghi nhớ và phía KTR đã tài trợ cho Trường Đại học Đà Lạt 5 khối thiết bị nghiên cứu về môi trường và hoá học. Thời gian tới, hai bên thống nhất khảo sát để tiến tới thành lập trung tâm kiểm nghiệm rau hoa, nông sản, cũng như cung cấp các dịch vụ kiểm nghiệm tại miền trung, Tây Nguyên. Đồng thời, KTR sẽ hỗ trợ Trường Đại học Đà Lạt thiết lập phòng thí nghiệm đạt được tiêu chuẩn của KTR về hoá học, môi trường, sinh học và hỗ trợ vận hành (cử chuyên gia, đào tạo nhân viên) để Trường Đại học Đà Lạt có thể khai thác và làm chủ công nghệ.
TS. Lê Minh Chiến và TS. Kim Chang Hyeug - Viện trưởng CBF ký thỏa thuận đăng ký bằng sáng chế cùng sự chứng kiến của lãnh đạo thành phố Đà Lạt và thành phố Chuncheon |
Đặc biệt, trong chuyến công tác lần này, Trường Đại học Đà Lạt và Viện công nghệ sinh học CBF đã ký thoả luận và thống nhất nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký bằng sáng chế kết quả nghiên cứu chung mà hai đơn vị đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, đây là kết quả đạt được từ dự án nghiên cứu chung về tài nguyên dược liệu tại Lâm Đồng giữa hai đơn vị. Cụ thể, từ năm 2021, Trường Đại học Đà Lạt và CBF đã phối hợp điều tra và đánh giá giá trị dược liệu của các loài thực vật hoang dại tại Lâm Đồng. Dự án đã thu được 21 loài dược liệu tự nhiên và chiết xuất đánh giá được giá trị dược liệu của 8 loài. Các nhà nghiên cứu của hai bên cũng đã phát hiện ra một loài thực vật có giá trị dược liệu đặc biệt trong việc bảo vệ chức năng gan. Sau khi được cấp bằng sáng chế, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn và ứng dụng để thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Đồng thời, hai bên cũng thống nhất đề xuất mở rộng dự án để khảo sát, đánh giá toàn diện giá trị dược liệu của các loài thực vật hoang dại, các loài dược liệu từ tri thức dân tộc tại Lâm Đồng và các tỉnh lân cận.
Hội thảo xây dựng Dự án ODA phát triển công nghiệp công nghệ sinh học |
Dịp này, thành phố Đà Lạt và Trường Đại học Đà Lạt cũng đã làm việc với chính quyền thành phố Chuncheon, Viện công nghệ sinh học CBF, các doanh nghiệp thuộc CBF để xúc tiến dự án phát triển công nghiệp công nghệ sinh học tại Đà Lạt. Dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc, với tổng mức đầu tư khoảng 20-30 triệu USD để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin