Những đóa hoa nở rực rỡ, những cây xanh mơn mởn được trồng trong các chậu hoa làm từ rác thải xốp và vỏ hạt cà phê là sản phẩm của cô trò Trường THPT Trần Phú, TP Đà Lạt với thông điệp tái chế rác thải để bảo vệ môi trường, tạo ra niềm tin từ sự tái sinh với các “sản phẩm xanh” hướng đến cuộc sống xanh.
Nhóm thực hiện Dự án “Rebirth - chậu hoa từ rác thải xốp và vỏ hạt cà phê” và cô giáo hướng dẫn giới thiệu những sản phẩm của mình |
• SẢN PHẨM THÂN THIỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Cầm trên tay những bình hoa, chậu trồng cây xanh với màu sắc và hình dáng bắt mắt, nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú giới thiệu về sản phẩm của Dự án “Rebirth - Chậu hoa từ rác thải xốp và vỏ hạt cà phê” các em mới thực hiện. Dự án đã đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi “Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI tỉnh Lâm Đồng năm 2023.
Cậu học sinh Nguyễn Duy Đạt - lớp 12A8, Trường THPT Trần Phú là trưởng nhóm cho biết: “Chúng em đã tận dụng rác thải xốp và vỏ hạt cà phê để tạo ra chậu cây dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí. Từ việc tận dụng xốp tạo keo kết dính và các vật liệu hữu cơ từ vỏ hạt cà phê để tạo ra chiếc chậu xinh xắn có thể cắm hoa, trồng hoa, cây kiểng theo cách trồng bằng đất hay trồng thủy sinh, trong đó vỏ hạt cà phê sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, đồng thời, thân thiện với môi trường. Sản phẩm tạo ra có thể thay thế cho chậu trồng cây bằng chất liệu nhựa, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, tận dụng được các nguồn nguyên liệu phế phẩm có sẵn ở địa phương. Và nếu được ứng dụng trong thực tế sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế và tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày”.
Nói về ý tưởng thực hiện dự án, cô học trò Trần An Nhiên - lớp 11A13, thành viên tham gia dự án hào hứng kể: Hiện nay, rác thải xốp là những loại đồ vật thường được sử dụng như thùng xốp, ly xốp, đĩa, muỗng xốp… phần lớn thuộc dạng khó phân hủy, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường sống. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều hộ gia đình trồng và sản xuất cà phê và lượng vỏ hạt cà phê chưa tận dụng được triệt để, đa số đem đốt hoặc để tự phân hủy rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
“Làm cách nào có thể tận dụng các nguồn nguyên liệu này cho hiệu quả, tránh lãng phí là câu hỏi cũng như trăn trở của cô, trò chúng em. Qua quan sát, chúng em thấy xu hướng trồng hoa kiểng, cây xanh, cây thủy sinh và cắm hoa trưng bày ngày nay rất phổ biến tại Đà Lạt nhưng chỉ sử dụng chậu nhựa, chậu sứ, hay đồ gỗ mỹ nghệ đắt tiền. Từ thực trạng đó, chúng em đã chọn đề tài “Rebirth - Chậu hoa từ rác thải xốp và vỏ hạt cà phê” để vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra sản phẩm thân thiện”, Trần An Nhiên chia sẻ.
Những chậu hoa được tái sinh từ rác thải xốp và vỏ hạt cà phê góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến cuộc sống xanh |
• REBIRTH - SỰ TÁI SINH XANH
Bắt tay thực hiện dự án “Rebirth - Chậu hoa từ rác thải xốp và vỏ hạt cà phê”, nhóm 5 học sinh Trường THPT Trần Phú đi thu gom hộp xốp đựng thức ăn tiện dụng, thùng xốp bỏ đi từ các trường học, các hàng quán, tiệm ăn, vựa trái cây… Các hộp xốp kết hợp với xăng sinh học E5 để tạo thành dung môi pha keo, vừa để đảm bảo an toàn môi trường vừa đảm bảo tính kết dính và độ cứng cao. Nguồn vỏ cà phê được thu gom từ các nhà máy chế biến hạt cà phê trên địa bàn tỉnh. Sau khi có nguyên liệu, cô, trò cùng nhau bắt tay vào thực hiện với sự phân công từng công đoạn như: tạo hình khuôn chậu, trộn các nguyên liệu, cho vào khuôn để tạo hình sản phẩm, trang trí…
Là học sinh giỏi môn Tin học, Trần Đức Trung - Lớp 11A1 được phân công thiết kế kiểu dáng và tạo hình khuôn chậu trên máy tính. Đối với công đoạn sản xuất, trộn các nguyên liệu để cho vào khuôn tạo hình sản phẩm, em út Trần Minh Hiếu - Lớp 10A2 cùng với anh nhóm trưởng Nguyễn Duy Đạt thực hiện. Còn Trần Lê Nguyên Khang - Lớp 11A15 chuyên về Mỹ thuật cùng “bông hoa” duy nhất của nhóm Trần An Nhiên vốn có năng khiếu viết thư pháp chịu trách nhiệm trang trí sản phẩm sau khi đã được tạo hình.
“Sản phẩm có nguyên liệu từ những vật liệu phế thải đã qua sử dụng và từ phế phẩm nông nghiệp tại địa phương Lâm Đồng, được tái sinh thành những sản phẩm thân thiện với môi trường. Sản phẩm cũng đã được kiểm định giới hạn hàm lượng các kim loại nặng thấp hơn so với bình hoa, chậu cây làm từ sứ, nhựa… nên an toàn đối với sức khỏe con người. Quy trình chế tạo sản phẩm đã có khuôn nên rất dễ thực hiện, có khả năng mở rộng, phát triển tại địa phương và nhân rộng vì TP Đà Lạt có lợi thế là thành phố du lịch, thành phố hoa với rất nhiều không gian trưng bày hoa ở khắp mọi nơi. Những chậu cây, chậu hoa với nhiều hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt được Rebirth - tái sinh tạo ra “sản phẩm xanh” phù hợp với tiêu chí tiêu dùng hiện đại của cuộc sống - tiêu dùng bền vững, thân thiện, bảo vệ môi trường, làm giảm đáng kể lượng rác thải từ vật liệu xốp và vỏ cà phê hàng ngày thải ra gây ô nhiễm môi trường sống”, cô Hồ Thị Lệ Diễm - Giáo viên bộ môn Hóa học, người hướng dẫn nhóm thực hiện dự án chia sẻ.
Dự án hiện đã có sản phẩm là các chậu hoa trồng cây thực nghiệm ngoài vườn và chậu cắm hoa hoặc trồng thủy sinh ở bàn làm việc, trưng bày trong lớp học, trưng bày ở một số quán cà phê, homestay tại Đà Lạt.
Chị Nguyễn Khánh Trang - Chủ quán Lê’s Path Coffee Đà Lạt nhận xét: “Sau hơn một tháng trưng bày các chậu hoa, chậu cây cảnh làm từ rác thải xốp và vỏ hạt cà phê của cô, trò Trường THPT Trần Phú đã nhận được nhiều sự quan tâm của khách về sản phẩm này bởi tạo hình bắt mắt, đáng yêu, có độ bền cao trước khí hậu nắng mưa của Đà Lạt. Đặc biệt, khi biết sản phẩm được tái chế từ thùng xốp và vỏ hạt cà phê, nhiều người rất thích thú và muốn được sử dụng bởi góp phần bảo vệ môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm xung quanh chúng ta”.
“Qua các sản phẩm của dự án, học sinh đã biết vận dụng kiến thức đã học vào trong đời sống, tạo ra các sản phẩm sáng tạo, hữu dụng, có tính thẩm mỹ, mang tính nghệ thuật, hướng đến sở thích cá nhân của người dùng. Đặc biệt, các em đã ý thức về việc bảo vệ môi trường, đề tài giảm lượng rác thải từ vật liệu xốp ra môi trường giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dự án không dừng lại ở việc tạo ra các sản phẩm chậu hoa, chậu cây kiểng làm từ rác thải xốp và vỏ hạt cà phê mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng “sản phẩm xanh” ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Sử dụng sản phẩm Rebirth không chỉ là chăm sóc hoa, cây xanh tạo không gian sống tươi đẹp hơn mà còn là xây dựng niềm tin vào ý thức bảo vệ môi trường sống, hướng đến cuộc sống xanh”, cô Trương Thị Ánh Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin