Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân

LÂM TRANG 06:35, 26/02/2024

Tại Di Linh, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, vai trò của những đảng viên là người có uy tín luôn được khẳng định và nhận được sự tin tưởng của người dân. Họ đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển địa phương. Điển hình cho những tấm gương sáng ấy là ông K’Sội, người có uy tín của tổ dân phố Di Linh Thượng 1, thị trấn Di Linh. 

Ông K’Sội
Ông K’Sội

GƯƠNG MẪU TRONG LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG

Là một đảng viên, ông K’Sội luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, ông cũng luôn gương mẫu trong mọi việc, từ lời nói đến hành động, từ việc nhỏ đến việc lớn.

Sinh năm 1962, ông K’Sội hiện là Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố (TDP) Di Linh Thượng 1, đồng thời, là người có uy tín được bà con quý trọng. Hơn 11 năm đảm nhận công tác Mặt trận, ông luôn được bà con tin yêu bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm và gương mẫu. Ông luôn tâm niệm: “Làm công tác Mặt trận phải gắn bó với Nhân dân, phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con để có những giải pháp phù hợp”.

Ông K’Sội cho biết, TDP Di Linh Thượng 1 có hơn 210 hộ, chủ yếu là người K’Ho, sinh sống bằng nghề nông. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, ông luôn tiên phong trong việc vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực của ông, bà con cũng dần thay đổi thói quen canh tác, nâng cao năng suất và thu nhập.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu, ông chia sẻ, bản thân cũng gặp không ít khó khăn khi vận động người dân chuyển đổi cây trồng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Bà con còn nhiều e ngại, lo lắng vì chưa quen với kỹ thuật mới. Nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị, sợ rủi ro, ảnh hưởng đến thu nhập.

Trước những khó khăn trong việc vận động bà con đổi mới phương thức sản xuất, ông K’Sội không hề nản lòng. Ông kiên trì tuyên truyền, giải thích về lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa. Đồng thời, ông tích cực vận động bà con tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, mạnh dạn áp dụng khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi. Để tạo niềm tin và động lực cho bà con, ông K’Sội luôn tiên phong trong việc áp dụng các mô hình mới. Ông đã trồng thử nghiệm giống lúa mới trên 3 sào đất và ứng dụng khoa học kỹ thuật trên gần 1 ha cà phê của gia đình. 

Nhờ sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ của ông, bà con dần thay đổi thói quen canh tác truyền thống, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhờ vậy, sức lao động được giảm bớt, hiệu quả sản xuất và năng suất được nâng lên rõ rệt. Chất lượng cây trồng được cải thiện, thu nhập của người dân cũng dần ổn định. Ông K’Sội phấn khởi chia sẻ: “Khoảng sau năm 2000, bà con không còn dùng sức kéo trâu, bò mà đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều người cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mở rộng, phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống của người dân địa phương cũng từ đó đổi mới và phát triển hơn”.

• CẦU NỐI GẮN KẾT KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT

Có thể nói, thời gian qua, ông K’Sội đã đóng vai trò như một cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ở địa phương. Ông thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con hiểu và thực hiện. 

Bên cạnh đó, ông còn là người kết nối giúp bà con gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình lên các cấp chính quyền. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững. 

Với mong muốn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con vùng đồng bào DTTS, ông K’Sội luôn tiên phong trong việc vận động bà con tham gia các phong trào, cuộc vận động của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Cùng với các tổ chức chính trị- xã hội của tổ dân phố, ông nhiệt tình vận động bà con hiến đất làm đường, lắp đặt đèn năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho tổ dân phố. Nhờ đó, nhiều con đường bê tông đã được xây dựng, các con đường được thắp sáng, môi trường xanh, sạch, đẹp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông chia sẻ, việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi suy nghĩ, thói quen cần có thời gian và sự kiên nhẫn. Người tuyên truyền cần khéo léo, nói đi đôi với làm để bà con thấy được lợi ích, hiệu quả thì họ mới tin và làm theo. “Thấy đời sống bà con ngày càng phát triển, tôi rất phấn khởi. Cùng với sự tin yêu, quý mến của bà con, tôi càng có thêm động lực để tiếp tục góp sức xây dựng địa phương”, ông K’Sội nói. 

Với tinh thần “tre già măng mọc”, ở tuổi 61, ông K’Sội tin tưởng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm và cống hiến cho công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp. Còn với ông, “còn khỏe thì còn làm, góp sức đưa cuộc sống của bà con vùng đồng bào DTTS thêm tốt đẹp”, ông K’Sội chia sẻ.