Dấu ấn từ Đề án 06

DIỄM THƯƠNG  06:41, 27/02/2024

Dấu ấn của Đề án 06 đã đi vào cuộc sống của người dân, từng bước tạo ra nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, góp phần hình thành xã hội số, công dân số - đó là thành tựu nổi bật sau 2 năm triển khai thực hiện đề án. Trong năm 2024 này , những nhiệm vụ cần phải hoàn thành sẽ khó hơn, phức tạp hơn nên cần sự vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và xem đó là yếu tố quyết định thành công của Đề án 06.

Công an Đơn Dương với nỗ lực “phủ xanh” mã định danh và xây dựng Mô hình
xã điểm thực hiện Đề án 06
Công an Đơn Dương với nỗ lực “phủ xanh” mã định danh và xây dựng Mô hình xã điểm thực hiện Đề án 06

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Hai năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân. Với những chỉ đạo, điều hành kịp thời của Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 tỉnh, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Tỉnh Lâm Đồng được Bộ Công an ghi nhận về đích sớm và vượt tiến độ đối với công tác cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện; 100% cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, đến nay đã có 1.103.593 lượt tra cứu thành công, đạt tỷ lệ 77,46%. 

Việc ứng dụng các tiện ích của Đề án 06 đã phát huy hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn; tỉnh Lâm Đồng được đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xếp 3/63 tỉnh, thành; dịch vụ công trực tuyến xếp vị trí 6/63 tỉnh, thành; đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và 10 trung tâm IOC các huyện, thành phố đi vào hoạt động.

Trong năm 2023, cũng đã hoàn thành việc nghiên cứu, ban hành kế hoạch và bước đầu triển khai thực hiện 33 mô hình điểm Đề án 06 phù hợp tình hình thực tế của địa phương; theo đánh giá của Cục C06 - Bộ Công an, Lâm Đồng là địa phương có nhiều mô hình điểm được triển khai, xếp thứ 2 trên tòan quốc.

Công an tỉnh luôn là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ cũng như trong lực lượng Công an Nhân dân, tạo lập những hành lang pháp lý đảm bảo cho việc triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại: Vai trò, trách nhiệm, sự chủ động nghiên cứu, triển khai, áp dụng các tiện ích của Đề án 06 tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa thật sự tích cực, hiệu quả; một số người đứng đầu còn chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án 06 về kinh phí, trang thiết bị, nguồn nhân lực còn hạn chế; đến nay, kinh phí phục vụ triển khai Đề án 06 chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt nên chưa có cơ sở để bố trí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

• HOÀN THIỆN ĐỂ PHỤC VỤ

Năm 2024, Chính phủ xác định là năm “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp”. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 tỉnh yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 06; nâng cao tinh thần trách nhiệm, liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để vừa triển khai các nhiệm vụ trước mắt, cấp bách, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiện ích của Đề án 06, phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu chính đáng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, nâng cao số lượng, hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; hiệu quả triển khai các mô hình điểm Đề án 06. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 100% người đã có tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán 2024; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ số hoá dữ liệu chuyên ngành (nhất là dữ liệu hộ tịch, đất đai, người lao động), tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Song song đó, đẩy nhanh tiến độ làm sạch dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu, trong đó: hoàn thành dứt điểm việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19, dữ liệu bảo hiểm; rà soát, bổ sung, chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, đối chiếu làm sạch dữ liệu người có công và cập nhật thông tin trẻ em vào hệ thống.

Với tinh thần càng khó càng phải quyết tâm, vướng mắc thì tháo gỡ kịp thời, thách thức phải vượt qua, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án 06 đã đề ra trong năm 2024.