Đang là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh, thế nhưng cánh cửa cuộc đời tưởng như đóng sập lại với chàng sinh viên sinh năm 1997 Nguyễn Nhật Phúc khi biết mình mang một khối u ở não. Sau ca phẫu thuật, Phúc bị mù cả hai mắt. Được sự động viên của gia đình và khát vọng chinh phục con chữ, Phúc đã vượt qua hàng ngàn khó khăn để đến trường; trở thành sinh viên khiếm thị của Trường Đại học Đà Lạt tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh với tấm bằng loại khá.
Nguyễn Nhật Phúc cùng mẹ tại Lễ nhận bằng tốt nghiệp đại học |
• MẸ ƠI SAO TỐI THUI VẬY?
Tôi đến thăm Nguyễn Nhật Phúc vào ngày nắng lạnh. Trong căn nhà ở đường Đồng Tâm, Phường 4, TP Đà Lạt vẳng ra âm thanh của chiếc đàn organ trong trẻo. Nghe tiếng tôi đến, Phúc ngừng chơi đàn, vịn cầu thang lần dò từng bước chân đi xuống phòng khách. Tiếp tôi là một chàng trai khiếm thị nhưng giàu ý chí, nỗ lực và khát vọng. Ký ức ngày xa xưa kéo về, Phúc nhớ lại: “Thời học phổ thông, em là học sinh chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Thăng Long Đà Lạt. Năm 2015, em đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, cuộc đời không biết được chữ ngờ. Năm 2019, hôm ấy đi học về em thấy người quá mệt mỏi. Hôm sau đi khám thì bác sĩ bảo em có khối u ở não, phải mổ gấp. Hoàn thành các thủ tục ở bệnh viện là em phải mổ ngay. Sau gần 10 giờ đồng hồ nằm trong phòng mổ, khi tỉnh lại, em không thấy gì cả. Cầm tay mẹ, em hỏi: “Mẹ ơi sao tối thui vậy?”.
Ra viện, ở nhà một thời gian, vì quá thương con, gia đình Phúc đưa em qua Singapore để tái khám, làm các xét nghiệm và phẫu thuật. Sau những lần kiểm tra và tiểu phẫu, bác sĩ cho biết khối u ở não không tái phát nhưng đôi mắt của Phúc không nhìn thấy được - Phúc trở thành một người khiếm thị. Nhận được tin con bị khối u ở não, Phúc đau một nhưng mẹ của Phúc - chị Đỗ Thị Chúc đau mười. “Con mất thị lực, không có phản xạ với ánh sáng. Tôi như từ trên trời rơi xuống vực thẳm, khóc ngất, lúc ấy mình vẫn không thể tin được, sao tai họa ấy có thể rơi xuống con mình, thật sự tôi quá sốc…”. Nói đến đây, giọng chị Chúc như bị ngắt quãng khi nhớ lại ký ức khủng khiếp.
Trở thành người khiếm thị, những ngày đầu xuất viện trở về nhà, Phúc như sống trong bi kịch thăm thẳm không có đường lùi. Vậy nhưng, chàng trai ấy đã gói nỗi đau để tiến lên, có một cuộc “lội ngược dòng ngoạn mục”. Hành trình tìm lại con chữ của Phúc là một chặng đường đầy chông gai nhưng trĩu nặng yêu thương.
Là người khiếm thị nhưng Phúc chơi đàn thuần thục |
• NGÃ Ở ĐÂU… ĐỨNG LÊN Ở ĐÓ
Nếu như những ngày đầu mới xuất viện, đi học là một khái niệm hão huyền thì sau một thời gian nghỉ ngơi, tự “thẩm vấn” mình, ước mơ đi học lại cháy bỏng trong suy nghĩ của Nguyễn Nhật Phúc. Khát khao ấy trở thành động lực giúp Phúc vượt qua hàng ngàn khó khăn với quan điểm: ngã ở đâu, đứng lên ở đó. Với đôi mắt không nhìn thấy, Phúc bắt đầu phải làm quen với bóng tối, em tự làm hết tất cả các công việc. Trước hết, Phúc học định hướng di chuyển, học các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị, học làm quen với từng vật dụng, làm việc nhà rồi đến học tin học. Phúc tìm hiểu để sử dụng những dụng cụ đong, đo, cách sử dụng bếp… để có thể nấu nướng, làm bánh và pha chế... Hành trình làm lại từ đầu của Phúc không hề đơn giản, khó khăn chồng chất khó khăn, Phúc phải trả giá bằng nước mắt và có cả… máu. “Tai nạn, sự cố gặp hoài, như để có thể nấu và dùng được nước sôi, em đã bị bỏng đến mấy lần. Đau điếng. Có lần cắt vào tay chảy máu mà không biết, đến khi phát hiện đau đau, dính dính thì máu đã chảy tràn lan”, Nguyễn Nhật Phúc kể lại.
Sau khi tự làm được những công việc đơn giản, Phúc tiếp tục mày mò “nâng cấp” với những việc cao hơn. Phúc tự rửa bát, quét nhà, tự tay trồng và chăm sóc vườn rau và có thể học đánh đàn organ. Cứ thế, Phúc dần dần hoàn thiện kỹ năng của một người khiếm thị.
Trời về chiều, từng cơn gió thoảng đưa, câu chuyện của Phúc vẫn chưa hết cảm xúc. Là một người khiếm thị học chương trình đại học, đối diện với Phúc là những gian truân và đầy rẫy trở ngại nhưng Phúc không hề cô độc, bên em có bố mẹ, đến trường có bạn bè và thầy cô đã hết lòng vì em.
• NƠI ẤY… CÓ MẸ, CÓ THẦY
Chấp nhận là người khiếm thị, đôi mắt bị mù nhưng không chấp nhận mù tri thức, mù tương lai, Nguyễn Nhật Phúc quyết tâm “vá lại” ước mơ dang dở của mình. Đầu tiên, Phúc liên hệ với Trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh xin bảo lưu kết quả và sau đó chuyển một phần kết quả học tập lên Trường Đại học Đà Lạt để tiếp tục học chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Năm học 2021-2022, Phúc là học sinh khiếm thị duy nhất của trường nên không chỉ Phúc là người bỡ ngỡ mà ngay những thầy cô giáo cũng rất lúng túng trong việc giúp Phúc học tập. Giai đoạn này, dịch bệnh COVID -19 đang hoành hành ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Rất nhiều sinh viên của trường đại học đều phải học online, với một người khiếm thị như Phúc, việc học online khó khăn gấp ngàn lần sinh viên bình thường. Tuy nhiên, trong khó khăn này, Phúc đã có người đồng hành: “Để lĩnh hội được kiến thức, em nhờ mẹ xin file mềm của thầy, cô giáo nghiên cứu trước. Môn học nào em cũng xin thầy cô cho mẹ em vào lớp để học cùng. Mẹ em vào lớp vừa nghe giảng, vừa quay phim và ghi âm, tối về nhà, hai mẹ con học lại. Nhiều khi chỉ một công thức toán, hai mẹ con vật lộn đến vã mồ hôi”.
Những lúc rảnh rỗi, mẹ Phúc học cùng nhưng có những hôm quá bận việc, mẹ mở đường link vào lớp cho Phúc, đến giờ, Phúc ngồi nghe thầy cô giảng bài. “Có những lúc cô giáo điểm danh, gần tới tên rồi mà em cứ loay hoay không biết làm sao để bật micro lên để trả lời. Rồi những lúc mất inter-net, máy tính hết pin, Phúc không thể kết nối với lớp học được. Đã mấy lần em ôm máy tính tìm ba để nhờ ba giúp. Ba của Phúc không quen xài máy tính nên hai ba con cứ mò mẫm mãi mà không làm được”, Nguyễn Nhật Phúc trải lòng bằng những cảm xúc rất thật.
Dịch COVID-19 tạm thời lắng xuống, trường đại học chuyển từ học trực tuyến qua học trực tiếp. Một hành trình mới lại bắt đầu. Để đến được trường, lớp, bố mẹ Phúc một lần nữa sát cánh cùng em. Phúc nói rằng: “Những ngày em đi học trực tiếp trên trường, bố mẹ em là người đưa em đi học. Đến lớp, em được các bạn dẫn vào bàn ngồi học. Có lần em chưa quen đi cầu thang ở trường nên bị té ngã nhào. May mà không nguy hiểm”.
Trời về chiều, từng cơn gió thoảng đưa, câu chuyện của Phúc vẫn chưa hết cảm xúc. Là một người khiếm thị học chương trình đại học, đối diện với Phúc là những gian truân và đầy rẫy trở ngại nhưng Phúc không hề cô độc, bên em có bố mẹ, đến trường có bạn bè và thầy cô đã hết lòng vì em.
“Phúc là một sinh viên đặc biệt, bị khiếm thị nên việc học gặp rất nhiều trở ngại. Không để em bị hỏng kiến thức, tôi và các thầy cô của trường đều chia sẻ khó khăn này và có cách dạy rất khác. Các thầy cô giảng đi giảng lại, giảng riêng để Phúc có thể tiếp thu được bài học một cách tốt nhất. Việc tổ chức thi vấn đáp riêng cho em Phúc cũng là một hình thức rất đặc cách”, thầy Phan Minh Đức - Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt nhớ lại.
Sự nỗ lực của Phúc đã được đền đáp xứng đáng, Phúc đã xuất sắc hoàn thành các môn học của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt để có mặt tại lễ tốt nghiệp ra trường. Kết quả này rất xứng đáng cho những nỗ lực trong hành trình “vá” lại ước mơ của Phúc. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên mà Phúc làm được không dừng lại ở đó, với kiến thức ngoại ngữ rất tốt của mình, sau khi tốt nghiệp đại học, Phúc được nhận làm biên, phiên dịch tại Phòng Kinh doanh marketing, Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt. “Những thông tin y khoa từ nước ngoài sẽ được Phúc dịch, đánh máy để làm tài liệu nghiên cứu. Bên cạnh đó, Phúc còn là người trả lời những thắc mắc của bệnh nhân nước ngoài khi đến khám tại Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt. Là một người chịu khó, cố gắng, cầu tiến, Phúc đáp ứng tốt các yêu cầu công việc tại cơ quan”, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt khẳng định.
Chia tay Nguyễn Nhật Phúc khi chiều đã muộn nhưng nắng vẫn còn ngổn ngang. Câu chuyện về khát vọng và nỗ lực của chàng trai này một lần nữa khiến tôi cảm phục. Món quà mà tôi nhận được từ chàng trai ấy chính là sự nỗ lực để chinh phục tri thức, vươn lên học tập. Đó là tinh thần không tuyệt vọng, gục ngã như lời bài hát Đừng tuyệt vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà Phúc vẫn tâm đắc khi đánh đàn organ: “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/ Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/ Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin