Một góc nhìn về văn hóa công vụ

Thạc sĩ ĐẶNG THỊ BÍCH PHƯỢNG 15:55, 22/02/2024

(LĐ online) - Cho đến nay có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa lại nhìn nhận văn hóa ở một khía cạnh, một góc độ khác nhau. Tuy nhiên, dù ở khía cạnh hay góc nhìn nào thì nói đến văn hóa tức là chúng ta nói đến con người, nói đến năng lực bản chất người của con người. Vì chỉ con người mới sáng tạo ra văn hóa, mới có văn hóa. Đó chính là các giá trị, các chuẩn mực, định hướng niềm tin nhằm hướng con người đi theo các giá trị trụ cột vĩnh hằng: Chân - Thiện - Mỹ. Từ đây, chúng ta soi vào bất cứ mặt hoạt động nào của con người chúng ta cũng đều hiểu được chân giá trị của nó. Và văn hóa công vụ cũng vậy.

Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm thực hiện các chức năng cơ bản của Nhà nước trong các hoạt động quản lý, điều hành mọi mặt của đời sống xã hội với mục đích cao nhất là phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Do vậy, văn hóa công vụ là tập hợp các giá trị, các chuẩn mực của một nền công vụ, được cán bộ công chức tôn trọng, chia sẻ và thực hành trong hoạt động công vụ, xác lập niềm tin, đạo đức, nếp sống, truyền thống, bản sắc của một nền công vụ. Hay nói cách khác là lấy các giá trị văn hóa Chân - Thiện - Mỹ để định hướng xây dựng một nền công vụ hiệu quả nhất (chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, vì nước, vì dân). Trong đó, liêm sỉ là giá trị cơ bản nhất của văn hóa công vụ mà nếu chủ thể nền công vụ biết lấy giá trị này đặt lên làm châm ngôn sống và làm việc của mình thì có lẽ một loạt những sai phạm, những tệ nạn công vụ trong đó có tệ tham nhũng đã không trở thành vấn nạnđối với đất nước ta như hiện nay.

Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi muốn đặt vấn đề liêm sỉ từ góc nhìn văn hóa công vụ để thấy được vai trò và ý nghĩa to lớn của việc thấm nhuần giá trị liêm sỉ trong văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ công chức viên chức khi thực thi công vụ nhằm góp phần đem lại sự trong sạch cho bộ máy nhà nước trong bối cảnh đất nước hiện nay.

Liêm, sỉ là một trong những phạm trù đạo đức cơ bản của con người. Theo Từ điển Tiếng Việt, liêm sỉ nghĩa là đức tính của người trong sạch và biết tránh những điều làm cho mình phải xấu hổ. Liêm và sỉ chính là đức hạnh mà con người cần phải tu dưỡng suốt đời. Bởi, liêm là liêm khiết, là thanh liêm. “Liêm” vừa bao hàm ý nghĩa liêm khiết, trong sạch vừa bao hàm ý nghĩa tiết kiệm, thanh đạm. Không tham lam cũng được xem là “liêm”, không tham mà trở nên trong sạch. Còn sỉ là sự xấu hổ, biết xấu hổ trước những việc làm sai trái của mình. Cảm thấy “ngại” khi mà mình mắc lỗi, mình phạm sai lầm và từ đó chỉnh sửa, tu dưỡng lại bản thân mình cho đúng, cho đẹp. Nhưng suy xét sâu xa, thì chữ liêm cũng được bắt nguồn từ chữ sỉ, bởi người mà có sỉ thì ắt sẽ có liêm. Thực hành liêm sỉ chính là thực hành văn hóa - văn hóa liêm sỉ. Bởi nói đến văn hóa chính là nói đến con người, nói đến những gì là tốt đẹp nhất, tích cực nhất, là tiến bộ nhất - là Chân, là Thiện, là Mỹ do con người tạo ra, mang bản chất người và chỉ có ở xã hội loài người. Văn hóa liêm sỉ hướng con người ta đến với những gì là đúng đắn nhất, là đạo đức, là nhân văn, nhân ái nhất và cao đẹp nhất. Ở đây lòng tự trọng, đức thanh liêm luôn được đề cao. Mỗi cá nhân phải ý thức được việc đặt lợi ích của riêng mình bên trong, bên dưới lợi ích chung của cộng đồng, của quốc gia dân tộc, phải lấy sự hổ thẹn làm hành trang điều chỉnh thái độ, hành vi của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng theo hướng chân - thiện - mỹ.

Khổng Tử đã từng nói: “Hành kỷ hữu sỉ”, nghĩa là khi làm việc thì giữ mình, bởi biết mình làm xằng làm bậy là rất đáng xấu hổ. Một người biết hổ thẹn thì gặp tiền tài, vật chất  không tham, lâm vào khó khăn, gian khổ không bị khuất phục. Còn người vô liêm thì điều gì cũng dám tranh giành, vơ vét cho bằng được, kẻ vô sỉ thì điều gì cũng dám làm, bất chấp tất cả.­­(1)

Mạnh Tử cũng giảng rằng, “Nhân bất khả vô sỉ”, ý nói rằng làm người là không thể không có “sỉ”, không thể không biết xấu hổ. Nếu không biết xấu hổ thì không được tính là người. Như vậy, người xưa rất đề cao liêm sỉ trong xã hội và cho rằng, giáo hóa cho cộng đồng hiểu về “liêm sỉ” còn quan trọng hơn là dùng trọng hình. Bởi vì khi đạo đức của con người được nâng cao, khi họ biết xấu hổ, biết việc gì nên làm việc gì không nên làm, biết rõ đúng sai, phải trái để từ đó điều chỉnh hành vi của mình thì có thể không cần phải dùng đến hình phạt nữa. Cũng bởi vì thế mà Nho gia đề cao đức hạnh, xếp giáo hóa đứng trước, hình phạt đứng sau.(2)

Trong cuốn sách Chu Văn An - người thầy của muôn đời, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành năm 2014 có một câu chuyện rất hay về cái gọi là liêm sỉ. Chuyện kể rằng: Có một sĩ tử là học trò của Chu Văn An, sau khi anh này đỗ tiến sĩ được bổ dụng làm tri phủ đã đến bái biệt người thầy tôn kính của mình và xin thầy chỉ giáo cho anh những điều cần ghi nhớ của người làm quan.

Nghe lời bộc bạch của vị tân khoa, thầy nhìn người học trò thông minh, tuấn tú sắp ra phò vua, giúp nước mà rằng: “Việc nước là trọng đại, có nhiều việc lắm, thiên hình vạn trạng, anh phải tùy cơ ứng biến, duy có hai chữ liêm, sỉ thì anh phải ghi nhớ suốt đời, khi vinh hoa phú quý, lúc khó khăn hiểm nguy cũng không bao giờ được đánh mất liêm, sỉ”. 

Vị tân quan băn khoăn, tỏ bày tâm sự:

- Thưa thầy, thế sự thăng trầm, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, chốn quan trường phần đông không còn giữ được liêm, sỉ. Thậm chí, ngay cả bọn học trò chúng con may mà đỗ đạt, được liệt vào hàng sĩ phu cũng nhiều người như thế cả.

Thầy nhìn vị tân quan, thoáng một nét buồn rồi nghiêm khắc nói:

- Anh quên cổ nhân đã dạy: “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách” rồi sao? Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngay cả lúc mùa đông rét mướt mà cây tùng, cây bách vẫn xanh. Anh được triều đình bổ dụng làm quan, anh định sẽ làm cây tùng, cây bách hay làm dây leo, tầm gửi?  

Vị tân quan nghe xong, cúi đầu lễ phép nói lời từ tạ:

- Con xin ghi nhớ lời thầy dạy. Tuy đã lấy bằng tiến sĩ, nhưng hôm nay con mới thấm thía hai chữ liêm, sỉ, hai chữ mở lòng của một kẻ được trao trọng trách phò vua, giúp nước, ăn lương bổng của triều đình(3).

Ôn chuyện cũ để ngẫm chuyện hôm nay. Thời nào cũng vậy, đất nước thịnh hay suy đều phụ thuộc vào sự trong sạch của những người đang gánh vác việc nước. Trong xu thế hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường như nước ta hiện nay, thật đau xót khi hàng ngày chúng ta đang phải tiếp nhận biết bao thông tin về những đại án tham nhũng liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - Những người được Đảng và Nhà nước trao cho quyền lực để lãnh đạo, điều hành, quản lý mọi mặt của đất nước, mà nguyên nhân chính nằm ở chỗ văn hóa liêm sỉ không được coi trọng, thẩm thấu trong đội ngũ cán bộ có chức có quyền. Bởi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống là nguyên nhân chính làm cho đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức có quyền thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân; quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân, từ đó dẫn đến tham nhũng (tham nhũng, về bản chất là sự lạm dụng quyền lực nhà nước, sự tha hóa quyền lực bởi người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước nhằm đem lại lợi ích riêng).

Liêm, sỉ là lẽ sống làm người. Giáo dục chân chính là dạy cho người ta biết liêm, sỉ để trau dồi, rèn luyện, hình thành nhân cách, nhất là đối với đội ngũ cán bộ đảng viên, cán bộ công chức viên chức -Những người mà đúng phận sự ra là những “công bộc” của dân, phải phục vụ nhân dân bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm cao nhất của mình. Bởi họ được hưởng lương từ thuế của người dân, đó chính là từ sự vất vả gian nan khuya sớm của người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, của anh công nhân phải tăng ca sớm chiều, của biết bao doanh nghiệp đau đầu với việc nay bố cáo thành lập, mai bố cáo giải thể…Hơn ai hết họ phải tự ý thức được điều đó, tự coi đó là phương châm sống của mình để hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phục vụ tổ quốc và trên hết là không thấy xấu hổ với chính bản thân mình khi được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao cho trọng trách đó.

Trong thực tế người mà không liêm thì lòng tham trỗi dậy, tìm mọi cách hoặc thừa cơ đục khoét, vơ vét cho đầy túi tham, thấy cái gì cũng lấy, không biết cái gì xứng đáng được nhận, cái gì phải khước từ, cái gì không thuộc về mình, cái gì là của người khác, của cộng đồng, của dân của nước. Do đó, việc gì cũng làm, bất kể phải, trái, đúng, sai, bất kể lòng dân, phép nước…Người bất liêm cũng là kẻ không biết xấu hổ; đã không biết tự hổ thẹn với chính lương tâm của mình thì ắt cũng không biết hổ thẹn với những người xung quanh, kể cả với những người thân yêu, ruột thịt của mình, để đến khi gây ra hậu quả, đứng trước vành móng ngựa, hay bóc lịch trong lao tù mới tỉnh ngộ và nói lời xin lỗi muộn màng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời, thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(5), phải chăng cái đức mà Bác nói năm xưa chính là cái liêm, cái sỉ mà chúng ta đang đề cập ở đây… Bởi những người giữ trọng trách trong gia đình, ngoài xã hội mà vô liêm sỉ thì nhà ắt suy bại, xã tắc ắt nguy vong. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhận định: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

 “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(6). Lời Bác dạy năm xưa nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đặt vào bối cảnh đất nước ta hiện nay. Giữ cho được chữ “liêm”, chữ “sỉ” của người cán bộ âu cũng là việc quyết định đến sự thành hay bại của muôn việc nước nhà!.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1), (2).Trích nguồn Trithuc.vn
(3). Chu Văn An - người thầy của muôn đời, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.
(4). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2023
(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 117.
(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr. 309.