Nỗ lực đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân

AN NHIÊN 06:18, 23/02/2024

Công tác khám, chữa bệnh tại Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị được triển khai thực hiện. Các bệnh viện trong tỉnh hiện nay đã giải quyết được các bệnh lý phức tạp, chuyên sâu, góp phần hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và từng bước phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu. 

 Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO)
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO)

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM, ĐIỀU TRỊ CHO BỆNH NHÂN

Sở Y tế Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đảm bảo thực hiện quy chế chuyên môn và quyền lợi của bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh. Thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, khám, chữa bệnh cho Nhân dân, triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nâng cao y đức phục vụ tốt người bệnh tại các cơ sở khám và điều trị trong toàn ngành. Chất lượng chăm sóc và điều trị ngày càng được nâng cao; triển khai tốt công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; thực hiện tốt chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề, chỉ đạo tuyến… 

Năm 2023, toàn ngành đã tổ chức khám bệnh cho 2.154.921 lượt bệnh nhân (tăng 11,5% lượt so với cùng kỳ năm 2022 đạt 92,5% kế hoạch giao). Số ngày điều trị nội trú trung bình/bệnh nhân là 5,9 ngày; công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 99,9% (giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022). Một số đơn vị công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100% như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 114,8%; Bệnh viện II Lâm Đồng 102,3%; Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch 117 %; Bệnh viện Y học Cổ truyền Bảo Lộc 116,7%; Bệnh viện Nhi 124,2%; Trung tâm Y tế Đơn Dương 101,2%; Trung tâm Y tế Di Linh 135,6%... Thực hiện phẫu thuật 27.227 ca (tăng 14,6% ca so với cùng kỳ năm 2022).

Công tác cải tiến chất lượng bệnh viện luôn được duy trì và quan tâm triển khai. Việc cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh phục vụ bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế được các đơn vị quan tâm và triển khai. Bố trí thêm các phòng khám, bàn khám; bố trí bổ sung nhân lực các bàn khám vào các giờ, các ngày cao điểm; sắp xếp lại các bộ phận đón tiếp, thu phí, giải quyết thủ tục hành chính, niêm yết công khai các bảng, biểu, biển chỉ dẫn để thuận lợi cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

• BỔ SUNG THÊM DANH MỤC THUỐC KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT

Năm 2023, ngành Y tế Lâm Đồng triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật Dược, nghị định và thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành; đảm bảo thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn dược hiện hành; cơ bản đảm bảo thuốc, vật tư hóa chất thiết yếu phục vụ người dân. Trong năm đã thẩm định phê duyệt 38 kế hoạch và thẩm định trình phê duyệt 70 kế hoạch đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất để đảm bảo thuốc và vật tư, hóa chất phục vụ cho người bệnh.

Sở Y tế tỉnh có văn bản đăng ký với UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng thêm số danh mục thuốc điều trị tại tuyến tỉnh 20 danh mục, tuyến huyện 15 danh mục và tuyến xã 15 danh mục nhằm đảm bảo thuốc, vật tư hóa chất thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả, trong năm 2023 đã tăng thêm 787 loại thuốc so với năm 2022.

Sở Y tế Lâm Đồng luôn quan tâm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, giúp các đơn vị triển khai được nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế có văn bản đăng ký với UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phát triển mới danh mục kỹ thuật tại tuyến tỉnh 20 kỹ thuật, tuyến huyện 10 kỹ thuật và tuyến xã 5 kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Trong năm 2023, Sở Y tế tỉnh đã phê duyệt cho 78 cơ sở y tế với tổng danh mục kỹ thuật được phê duyệt là 13.761 kỹ thuật. Trong đó, đúng tuyến là 13.679 kỹ thuật, vượt tuyến 71 kỹ thuật. Các kỹ thuật cao được triển khai trong năm 2023 là kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) cấp cứu tại giường trong hỗ trợ suy hô hấp cấp; phẫu thuật cắt bỏ u vú, điều trị ung thư tuyến giáp bằng I31, Spect/CT, xạ trị trong điều trị ung thư.

• ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Năm 2023, triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, danh mục đầu tư các dự án đầu tư từ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội thuộc lĩnh vực y tế với tổng mức đầu tư khoảng 179,1 tỷ đồng bao gồm 3 dự án. Trong đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng được giao làm chủ đầu tư 2 dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Dự án Đầu tư xây dựng mới 9 trạm y tế tuyến xã và mở rộng Trung tâm Y tế huyện Đam Rông với tổng mức đầu tư 60,197 tỷ đồng; Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 52 trạm y tế tuyến xã và 5 phòng khám đa khoa khu vực với tổng mức đầu tư 57,542 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang hoàn thành các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng các gói thầu.

Sở Y tế Lâm Đồng được giao làm chủ đầu tư 1 dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 72 trạm y tế tuyến xã, 5 phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế huyện Đam Rông với tổng mức đầu tư 61,361 tỷ đồng với số thiết bị được đầu tư cho các đơn vị gồm 39 thiết bị đã giải ngân đạt 100%.

Theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trên địa bàn xã do vậy không bố trí giường bệnh. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu lưu bệnh để theo dõi nên mỗi năm Sở Y tế Lâm Đồng đều giao giường lưu bệnh từ 2 - 5 giường, tùy theo nhu cầu đăng ký lưu bệnh tại địa phương và giường thực kê tại các trạm y tế hiện nay đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân tại địa phương. 

• MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM, CHỮA BỆNH 

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục tổ chức thực hiện quy định của Luật Khám, chữa bệnh, các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến. Đẩy mạnh phát triển kỹ thuật nhằm tăng tỷ lệ triển khai các kỹ thuật đúng tuyến và vượt tuyến thông qua công tác đào tạo, các đề án luân phiên, bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, chế độ luân phiên... theo hướng chuyên khoa sâu ở tuyến tỉnh, chuyên khoa ở tuyến huyện và nguyên lý y học gia đình tuyến xã nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hạn chế tình trạng phải chuyển lên tuyến trên.

Tiếp tục thực hiện công tác cải tiến chất lượng bệnh viện, bảo đảm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh an toàn, hiệu lực, kịp thời, lấy người bệnh làm trung tâm, hiệu quả và công bằng. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử hướng đến hài lòng người bệnh; xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe…