Phòng chống các bệnh truyền nhiễm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2024

AN NHIÊN 17:36, 01/02/2024

(LĐ online) - Ngày 1/2, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống các bệnh truyền nhiễm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2024.

Lâm Đồng tiếp tục tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 59 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên
Lâm Đồng tiếp tục tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 59 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên

Trước tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 cùng với sự lây lan của các bệnh đường hô hấp, cúm mùa, cúm A, cúm B, các bệnh truyền nhiễm mới nổi và ngày 26/01/2024 tại Campuchia có ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A(H5N1); để chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch mùa Đông – Xuân đảm bảo đón tết an toàn trước, trong và sau tết Nguyên đán, nhằm phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời không để dịch bùng phát tránh để dịch chồng dịch; Sở Y tế tỉnh đề nghị Phòng Y tế các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu cho UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp để tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng chống trước, trong và sau khi dịch xảy ra.

Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý súc vật nuôi nhất là chó, mèo; chỉ đạo triển khai tốt việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo; tiêm vắc xin phòng cúm cho gia cầm; vắc xin phòng bệnh tai xanh, lở mồm long móng trên đàn gia súc. Tăng cường các hoạt động truyền thông để người dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế.  Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thú y và các đơn vị liên quan để đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, tham mưu UBND huyện, thành phố thành lập các tổ kiểm dịch động vật, gia cầm củng cố, siết chặt việc vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịnh.

Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, nhất là trong dịp Tết và lễ hội, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh các trường hợp nghi ngờ mắc cúm A (H7N9), cúm A (H5N1), bệnh Liên cầu khuẩn lợn, bệnh than (nhiệt thán), bệnh xoắn khuẩn vàng da (Leptospirosis) đến khám tại đơn vị.

Đảm bảo cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết và lễ hội. Phân công cán bộ trực phòng, chống dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết tại đơn vị. Thực hiện thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi diễn biến tình hình dịch các bệnh truyền nhiễm trên thế giới, trong khu vực và các tỉnh, thành trong nước; chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 an toàn, phân công các bộ trực dịch tại đơn vị 24/24 giờ theo quy định.

Tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn theo các quyết định, kế hoạch của Bộ Y tế  và Sở Y tế tỉnh. Phối hợp với Cảng hàng không Liên Khương tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, duy trì việc kiểm tra thân nhiệt nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa và khai báo, sàng lọc tiền sử dịch tễ nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn, đáp ứng kịp thời đối với các dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh, đặc biệt với các dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh nguy hiểm. Thực hiện thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố giám sát chặt chẽ các trường hợp đến khám bệnh hằng ngày tại khoa khám, chữa bệnh và các ca bệnh tại cộng đồng; thực hiện điều tra, xác minh kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc cúm A (H7N9), cúm A (H5N1), bệnh Liên cầu khuẩn lợn, bệnh than (nhiệt thán), bệnh xoắn khuẩn vàng da (Leptospirosis). Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng…), kịp thời triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát lan rộng, kéo dài. Củng cố các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu; phân công cán bộ trực phòng, chống dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết tại đơn vị. Liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát và điều trị sốt rét. Chuẩn bị thuốc, hóa chất, máy móc, vật tư, trang thiết bị... đảm bảo đủ cho công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo dịch nhanh chóng, kịp thời đúng quy định theo Thông tư 54/2015/TT-BYT. Chỉ đạo các Trạm Y tế tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên và cập nhật trẻ tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô cấp xã; thực hiện tiêm chủng an toàn, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng. Tiếp tục tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 59 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên; tiếp tục rà soát, đề xuất nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng nhắc lại cho đối tượng có nhu cầu trong năm 2024.

Đa dạng hoá các hình thức truyền thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cộng đồng để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh. Xác định công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng phải dựa vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm trung tâm cho các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường truyền thông, thông tin đến đông đảo nhân dân để hiểu, an tâm, hưởng ứng, phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.