(LĐ online) - Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều nhất về đạo đức, là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến y đức, đây là bộ phận cơ bản tạo nên phẩm chất, nhân cách đặc thù của những người hoạt động trong lĩnh vực y tế; là động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ y học và huy động toàn bộ tâm lực, trí lực vào hoạt động trị bệnh, cứu người bằng tiếng gọi lương tâm, danh dự.
Người bác sĩ quân y có y đức sẽ chiến thắng được những cám dỗ vật chất tầm thường, ngăn chặn những suy nghĩ, hành vi tiêu cực và ứng xử phù hợp với chuẩn mực y đức, giữ vững phẩm chất của bản thân, truyền thống quý báu của ngành y. Sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ bác sĩ quân y không chỉ đủ về số lượng mà phải có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn cần thiết. Do vậy, yêu cầu đội ngũ bác sĩ quân y phải luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức.
1. Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc “xây dựng một nền y học của ta”, một nền y học dựa trên nguyên tắc “khoa học, dân tộc, đại chúng” [1] vững mạnh và toàn diện, trong đó vấn đề y đức được Người đặc biệt quan tâm. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức gồm những nội dung cơ bản sau:
Một là, trong mối quan hệ đối với người bệnh, người thầy thuốc phải có thái độ như anh chị em ruột thịt, như người mẹ hiền.
Theo Hồ Chí Minh, người thầy thuốc hãy thể hiện mình như là người anh chị em ruột, cao hơn nữa là “người mẹ hiền” đối với người bệnh. Đây là tư tưởng y đức đặc trưng của y học được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển nhằm giáo dục và xây dựng đạo đức người thầy thuốc trong hoàn cảnh lịch sử mới. Thầy thuốc cách mạng phải yêu thương người bệnh đạt đến tình yêu thương mang tính bản năng của người mẹ hiền đối với con ruột của mình. Người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái sẽ luôn thấu hiểu tâm sinh lý người bệnh như người mẹ hiền thấu hiểu người con của mình, “lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ” [2]. Nó xuất phát từ một trái tim chân thành, yêu thương, sự thấu hiểu, đồng cảm của người thầy thuốc - “mẹ hiền” đối với người bệnh tới mức “coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” [3].
Hai là, trong mối quan hệ đối với nghề nghiệp, người thầy thuốc phải có thái độ luôn nêu cao tinh thần say mê học tập, nghiên cứu.
Người từng nói: “Có tài phải có đức. Có tài mà không có đức... chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài. cũng không lợi gì cho loài người” [4]. Người thầy thuốc cách mạng có tấm lòng như mẹ hiền là điều kiện cần, nhưng người thầy thuốc còn phải giỏi về y thuật, sâu về y lý mới có thể biến cái thiện thành hiện thực, mới hoàn thành sứ mệnh cao cả của nghề y là chữa bệnh cứu người. Người thầy thuốc có y đức sẽ càng quan tâm đến việc phát triển tài và sử dụng cái tài của mình không phải phục vụ cho lợi ích cá nhân mà là phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Lúc này tinh thần say mê học tập, nghiên cứu của họ mới bền bỉ, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn của thực tại cũng như khắc phục sự lười biếng của bản thân để làm cho cái tài càng cao hơn. Theo Người: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”” [5]. Đối với Hồ Chí Minh, Đông y và Tây y đều có thế mạnh riêng, giúp chữa bệnh cứu người. Nhiệm vụ của người thầy thuốc hiện nay là lưu giữ và phát triển những lý luận của y học cổ truyền cùng với tiếp thu những tri thức y học tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, trong quá trình học tập, nghiên cứu phải thực hiện tốt nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn. Theo Hồ Chí Minh, “Về chuyên môn: Cần luôn luôn học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ, nhưng phải chú trọng cái gì thì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến của ta hiện nay” [6]. Từ định hướng đó, nhiều thầy thuốc đã tập trung nghiên cứu, tìm tòi cách chữa hay, thuốc tốt mà rẻ để phục vụ cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bộ đội và Nhân dân.
Ba là, trong mối quan hệ với đồng nghiệp, người thầy thuốc phải luôn có thái độ thật thà đoàn kết.
Nghề y là nghề mang tính tập thể rất cao, xét đến cùng mọi thành công trong y học đều do sự hợp tác giữa các thầy thuốc, từ việc nghiên cứu, sản xuất thuốc đến việc khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh. Do đó, mỗi thầy thuốc phải luôn tự giác đoàn kết chặt chẽ với nhau. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết trong ngành Y là “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc” [7]. Sự đoàn kết không phân biệt về địa vị, công việc, cán bộ mới, cán bộ cũ, bởi theo Người “công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân” [8], đều góp phần giúp nhau “tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật.” [12, tr. 361], từ đó giúp ngành Y tế Việt Nam vững mạnh. Trong “Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế”, Người cũng nhấn mạnh “Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận: - Trước hết là phải thật thà đoàn kết” [9]. Đoàn kết thực sự tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành tích khi mỗi người thầy thuốc thật thà với nhau, tức là luôn bộc lộ rõ bản thân, không giả tạo che đậy hay lấy lòng đối với đồng nghiệp, với cấp trên, không tham lam của người khác; đối xử với nhau một cách chân thành, thẳng thắn, tin tưởng nhau trên cơ sở tình anh em, tình đồng chí, đồng đội, tình hữu ái giai cấp.
Bốn là, với bản thân mình, người thầy thuốc phải là người chiến sĩ luôn có tinh thần yêu nước, yêu dân, yêu nghề.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi những người thầy thuốc cách mạng là “những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi” [10]. Họ vừa có một trái tim yêu thương người bệnh, vừa có những phẩm chất của một người cán bộ trong chế độ mới “yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ...” [11]. Người thầy thuốc trong chế độ mới không thờ ơ, xa rời chính trị, đứng ngoài thời cuộc, mà phải dấn thân, phải tham gia hoạt động thực tiễn cách mạng. Người nói: “Muốn thay đổi xã hội thì... Chúng ta cần phải hiểu rõ nó, đấu tranh với nó, sửa đổi nó” [12]. Đồng thời, Hồ Chí Minh yêu cầu người thầy thuốc thời đại mới phải thống nhất giữa lý tưởng đạo đức với lý tưởng chính trị, “Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ”[13]. Có như vậy, người thầy thuốc mới thấy yêu dân, yêu nước, yên tâm công tác để cống hiến cho Tổ quốc, rèn luyện các phẩm chất của người cán bộ trong chế độ dân chủ là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
2. Một số giải pháp nâng cao y đức người bác sĩ quân y hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Bác sĩ quân y là những người làm việc trong môi trường hết sức đặc biệt - môi trường quân sự. Trong chiến tranh, nhiệm vụ của họ là vượt qua mưa bom, bão đạn để cứu chữa thương bệnh binh, đảm bảo sức chiến đấu của quân đội, góp phần quan trọng vào những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong hòa bình, họ phải vượt qua những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và tinh thần, áp lực rủi ro cao từ môi trường làm việc để đảm bảo sức khỏe cho bộ đội và Nhân dân. Để luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bác sĩ quân y vừa phải có trình độ chuyên môn giỏi vừa phải có y đức trong sáng, trong đó y đức là gốc, là nền tảng tạo nên nhân cách người bác sĩ quân y cách mạng.
Bên cạnh mặt tích cực, tình trạng vi phạm y đức, đi ngược lại với những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức ở một số cơ quan, đơn vị quân y vẫn còn tồn tại, dù không mang tính phổ biến nhưng phần nào đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và Nhân dân, đến hình ảnh người chiến sĩ áo trắng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ quân y phải thực sự sáng về y đức, sâu về y lý và giỏi về y thuật, luôn nâng cao y đức người bác sĩ quân y theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các cơ quan chức năng và các lực lượng
Về nâng cao nhận thức: Các chủ thể lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chức năng cùng các lực lượng phải nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đạo đức trong cấu trúc nhân cách của người bác sĩ quân y; các nhân tố tác động tới y đức bác sĩ quân y từ đó thấy được việc nâng cao y đức người bác sĩ quân y theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức phải là một nhiệm vụ thường xuyên, mang tính khách quan, tất yếu trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, các chủ thể lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chức năng cùng các lực lượng tham gia phải nhận thức rõ những ưu điểm và hạn chế về y đức của người bác sĩ quân y, từ đó thấy được sự bức thiết phải tổ chức giáo dục, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, cần nhận thức đúng và quán triệt kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chuyên đề liên quan tới học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng về y đức của Người nói riêng; nhận thức rõ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức để có phương pháp nâng cao hiệu quả.
Về nâng cao trách nhiệm: Các chủ thể lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chức năng cùng các lực lượng tham gia trực tiếp phải phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc chủ động tiếp nhận và triển khai ngay những chủ trương, chính sách của Đảng cũng như đề xuất những nội dung, biện pháp về nâng cao y đức người bác sĩ quân y gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cơ quan chính trị, cơ quan hậu cần các cấp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy đảng các cấp về nội dung, yêu cầu, giải pháp, cơ chế, chính sách nâng cao y đức bác sĩ quân y theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức. Các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân phải nâng cao trách nhiệm trong việc triển khai sâu rộng và mạnh mẽ các phong trào học tập, rèn luyện tư tưởng y đức bác sĩ quân y tại cơ quan, đơn vị. Các chủ thể phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc định hướng, quản lý, kiểm tra, giúp đỡ bác sĩ quân y học tập và làm theo những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức cũng như sơ kết, tổng kết quá trình này tại đơn vị.
Thứ hai, cụ thể hóa nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương thức nâng cao y đức cho bác sĩ quân y
Cụ thể hóa nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức thành các tiêu chí, tiêu chuẩn phấn đấu để bác sĩ quân y dễ học tập, dễ làm theo và muốn học tập, muốn làm theo. Đây là một khâu then chốt, giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng công tác giáo dục, tuyên truyền cũng như tự học tập, tự rèn luyện của bác sĩ quân y. Trong việc cụ thể hóa nội dung nâng cao cần chú ý cụ thể hóa tư tưởng y đức của Người thành các tiêu chí đánh giá cụ thể, sát hợp, khách quan. Nội dung của các tiêu chí phải đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, mang tính thuyết phục cao; ngôn từ sử dụng trong sáng, cụ thể. Nội dung nâng cao vừa phải mang tính toàn diện nhưng phải trọng tâm, trọng điểm. Trong nội dung nâng cao phải kết hợp giữa xây và chống, đó là chống lại những biểu hiện đi ngược lại với tư tưởng y đức của Người.
Các phương thức nâng cao phải được sử dụng một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện mỗi cơ quan, đơn vị quân y cũng như đặc điểm của bác sĩ quân y nhằm đảm bảo quá trình tiếp nhận các giá trị y đức của họ được tự nhiên, không gò ép. Đặc biệt, nó phải được thực hiện trong môi trường có sự kỷ luật, quản lý và chỉ huy chặt chẽ thì mới đảm bảo đem lại hiệu quả cao. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tọa đàm, hội thi tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức. Mục đích nhằm tăng tính chủ động, tích cực nghiên cứu, trao đổi tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức cho bác sĩ quân y. Các cơ quan, đơn vị quân y tổ chức cho bác sĩ quân y đăng ký cam kết rèn luyện, tu dưỡng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức. Kết quả của việc thực hiện cam kết sẽ là tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm. Thực hiện tốt việc đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đối với quá trình nâng cao y đức bác sĩ quân y tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường biểu dương người tốt, việc tốt. Thường xuyên đưa bác sĩ quân y tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, diễn tập quân sự, nghiên cứu khoa học, hoạt động quốc tế... để vừa rèn luyện y đức, vừa nâng cao trách nhiệm xã hội cho bác sĩ quân y.
Thứ ba, xây dựng môi trường đơn vị trong sạch, lành mạnh, đi đôi với chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống
Môi trường ở các cơ quan, đơn vị quân y là môi trường xã hội đặc biệt, bao gồm các yếu tố cơ bản như: hệ thống quan hệ y đức; các chế độ, chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đối với bác sĩ quân y tại cơ quan, đơn vị quân y; cơ sở vật chất, kỹ thuật... Các yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau và tác động tới quá trình hình thành, phát triển y đức người bác sĩ quân y. Tuy nhiên, thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn tới quá trình chuyển biến y đức trong các mối quan hệ nghề nghiệp của bác sĩ quân y có những hạn chế là do môi trường tại các đơn vị chưa thực sự thuận lợi, các yếu tố trên chưa liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó, để tạo sự chuyển biến các mối quan hệ y đức của bác sĩ quân y theo chiều hướng tích cực, cần phải xây dựng các yếu tố của môi trường công tác đảm bảo trong sạch, lành mạnh. Đồng thời, để quá trình nâng cao y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức cho bác sĩ quân y đảm bảo hiệu quả, mang lại kết quả bền vững, các cơ quan, đơn vị quân y cần chú trọng đi đôi với chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần làm ngay. Để thực hiện giải pháp này, cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức truyền thống của quân đội và của ngành Quân y cho đội ngũ bác sĩ quân y; nâng cao khả năng nhận diện và đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực về y đức, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến ”, “tự chuyển hóa ” cho bác sĩ quân y; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quân y cần sử dụng nhiều biện pháp, cách thức giúp bác sĩ quân y có nhận thức và hành vi đúng trong việc chống lại những tiêu cực về y đức, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của bác sĩ quân y trong tự giáo dục, tự hoàn thiện y đức
Tự giáo dục, tự rèn luyện y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức là hoạt động có ý thức của từng cá nhân bác sĩ quân y hướng vào làm biến đổi y đức của bản thân mình, đó là quá trình cá nhân tiếp thu và chuyển hóa những giá trị y đức tốt đẹp thành y đức cá nhân, hình thành nên những phẩm chất y đức của người bác sĩ quân y trong mối quan hệ với bệnh nhân, nghề nghiệp, đồng nghiệp, xã hội và với bản thân mình. Đồng thời, nó sẽ góp phần hạn chế và triệt tiêu dần những hành vi thiếu y đức, điều chỉnh hành vi của bản thân bác sĩ quân y theo hướng tích cực, vươn tới chân, thiện, mỹ; giúp họ hiểu đúng ý nghĩa, lý tưởng ngành Y và đấu tranh để thực hiện tốt lý tưởng đó.
Để phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo trong tự giáo dục, tự rèn luyện trong nâng cao y đức bác sĩ quân y theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức cần lựa chọn phương thức tự giáo dục, tự rèn luyện, hoàn thiện y đức một cách phù hợp; mỗi bác sĩ quân y cần nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình nhằm “rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, và chủ nghĩa cá nhân” [14], và nếu “Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được” [15]. Họ phải thấy được mặt mạnh, mặt yếu của mình trong quá trình rèn luyện, hoàn thiện y đức, từ đó nghiêm khắc với bản thân, có ý chí quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại, không ngại khó, ngại khổ để sửa chữa những tật xấu, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức là kim chỉ nam giúp Đảng và Nhà nước ta xây dựng những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam tiên tiến, hiện đại. Tư tưởng của Người về y đức vẫn còn sống mãi với thời gian và trở thành bài học quý báu, là ngọn đèn soi đường, chỉ lối cho những người làm công tác y tế nước ta nói chung, đội ngũ bác sĩ quân y nói riêng trong quá trình thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.
Tài liệu tham khảo:
[1], [3], [5], [7], [8]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 344, 343, 344, 343, 343.
[2]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 487.
[4]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 399.
[6], [11], [13]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 154, 154, 154
[9]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 361.
[10], [12], [14]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 34, 289, 408.
[15]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 28.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin